Cú sốc kép với chính quyền Biden

Một số người đã chỉ trích chính quyền Mỹ vì không thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm chấn hưng nền kinh tế. Trong khi nhiều thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ cáo buộc các công ty xăng dầu đang thao túng giá cả. Phản ứng trước những thông tin xấu đối với nền kinh tế, Tổng thống Biden đã đổ lỗi cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. “Những gì mà cuộc chiến tại Ukraine gây ra thật khủng khiếp”, ông Biden nói.

Chỉ còn 150 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và chính quyền Tổng thống Biden đang làm mọi thứ để cải thiện vị thế mình cũng như gia tăng sự ủng hộ của cử tri. Nhưng những thách thức về kinh tế đang tạo ra một cuộc chiến đầy khó khăn cho đảng Dân chủ của ông. Một quan chức Nhà Trắng cho biết, trong tháng 6 này, chính quyền sẽ thực hiện “những nỗ lực phối hợp” nhằm củng cố các thành tựu đạt được cho đến thời điểm hiện tại và công bố các kế hoạch giảm lạm phát.

Phát biểu trong chuyến thăm cảng Los Angeles vào ngày 10/6 vừa qua, ông Biden nói: “Thị trường việc làm đang là lĩnh vực mạnh nhất kể từ Thế chiến 2 bất chấp lạm phát”. Tổng thống Biden cho biết, đã có thêm 390.000 việc làm mới được tạo ra vào tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm và thâm hụt thương mại giảm.

Nhưng lạm phát tại Mỹ đã tăng lên đến 8,6% trong tháng 5, tăng 0,3% so với tháng 4. Và điều này có thể tạo ra một “cơn ác mộng” về chính trị đối với đảng Dân chủ khi họ đặt mục tiêu duy trì đa số ghế tại Quốc hội vào tháng 11/2022.

“Kinh tế chắc chắn là vấn đề cốt lõi trong cuộc bầu cử năm nay. Các cuộc thăm dò dư luận đều chỉ ra rằng đây là mối quan tâm hàng đầu đối với người dân Mỹ”, chuyên gia William Galston tại Viện Brookings nhấn mạnh.

Trong một cuộc thăm dò mới nhất của ABC News/Ipsos, 80% người Mỹ cho biết lạm phát là một yếu tố cực kỳ quan trọng hoặc rất quan trọng, sẽ quyết định lá phiếu của họ vào mùa Thu năm nay. Khoảng 3/4 người Mỹ có quan điểm tương tự về giá xăng. Tỷ lệ ủng hộ ông Biden trong những vấn đề này cũng thấp: chỉ 28% tán thành cách xử lý lạm phát của ông và số cử tri ủng hộ cách ứng phó của nhà lãnh đạo Mỹ với giá khí đốt chỉ chiếm 27%. Những con số này có thể khiến đảng Dân chủ đau đầu khi từng chứng kiến nhiều thất bại trong các cuộc bầu cử trước đây do khó khăn về kinh tế.

Lạm phát trở thành vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử

Vào năm 1974, khi lạm phát tại Mỹ ở mức 12%, đảng Cộng hòa đã mất 48 ghế trong Quốc hội. Hai năm sau đó, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã chịu lép về trước đối thủ Jimmy Carter trong các cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ, khi chiến dịch “Hãy đánh bại lạm phạm phát ngay bây giờ” mà ông khởi xướng không thành công. Tình trạng lạm phát cao đã xảy ra trong suốt phần còn lại của thập kỷ và kéo dài đến đầu những năm 1980. Nó khiến đảng Dân chủ mất 15 ghế Hạ viện năm 1978 và Đảng Cộng hòa mất 26 ghế Hạ viện năm 1982.

“Chúng tôi đang rơi vào tình huống mà ảnh hưởng về kinh tế đối với cuộc bầu cử tương tự như như thời điểm cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Tôi không nghĩ đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi lần đầu tiên trong gần 40 năm qua, lạm phát trở thành vấn đề trung tâm của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ”, ông Galston nhận định.

Trước đó, nhiều quan chức trong chính quyền Biden cho rằng tình trạng lạm phát chỉ là “nhất thời”. Phát biểu với ABC hồi tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng giá cả tăng cao chỉ gây ra "rủi ro nhỏ" cho nền kinh tế. Nhưng vào tháng 5, bà Yellen thừa nhận bà đã "sai".

Tổng thống Biden cam kết chính quyền của ông sẽ “tiếp tục thực hiện mọi biện pháp” để hạ giá cả: “Tôi hiểu người Mỹ đang lo lắng và họ lo lắng với lý do chính đáng. Tôi đã từng trải qua thời kỳ giá xăng tăng chóng mặt. Sự khác biệt lại càng lớn hơn khi giá thực phẩm tăng”.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, có rất ít biện pháp mà ông Biden có thể thực hiện để giảm tình trạng lạm phát. Gabriel Lenz, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley lưu ý: “Tình hình kinh tế rất phức tạp. Điều duy nhất mà tổng thống có thể làm hiện nay là cố gắng gia tăng nguồn cung các loại hàng hóa. Nhưng trước mắt, khả năng của chính phủ Mỹ trong việc khắc phục những khó khăn đối với nền kinh tế là khá hạn chế”.

Trong một nỗ lực nhằm bình ổn giá nhiên liệu, Tổng thống Biden đã công bố biện pháp xả Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) của Mỹ, song chuyên gia Lenz lưu ý điều này không tác động nhiều đến giá khí đốt, vốn đã tăng đỉnh điểm kể từ đầu năm đến nay.

Ông Biden cũng kêu gọi các nhà lập pháp thông qua dự luật ngăn chặn các trường hợp thao túng giá cả và thông qua nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các hộ gia đình, chẳng hạn như giảm giá thuốc kê đơn, tuy vậy kế hoạch này rất khó khăn vì phần lớn chương trình nghị sự của ông bị đình trệ tại Thượng viện với số ghế 50-50.

Tại Hạ viện, phe Dân chủ chiếm đa số ghế đã vượt qua rào cản của phe Cộng hòa để thông qua một dự luật nhằm đối phó tình trạng tăng giá khí đốt bằng cách hạn chế các công ty dầu mỏ tăng giá. Không rõ dự luật có được thông qua tại Thượng viện hay không khi tất cả nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện đều phản đối. “Quốc hội phải hành động nhưng họ đã hành động quá muộn”, ông Biden nói.

Chuyên gia Galston cho rằng, một khi lạm phát xảy ra, “bối cảnh hành động sẽ được chuyển từ Tổng thống và Quốc hội sang Cục Dự trữ Liên bang Mỹ”. Hội đồng Thống đốc FED dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới và nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm một lần nữa. “Người Mỹ cần phải thắt chặt đai an toàn vì con đường trước mặt khá ghập ghềnh” ông Galston lưu ý./.