Ngày 12/10, Nhà Trắng đã công bố chiến lược an ninh quốc gia (NSS) với những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden cho một thập kỷ mới.

Chiến lược NSS của Tổng thống Joe Biden đã nhắm vào điểm cuối cùng còn bỏ ngỏ trong bản báo cáo chiến lược an ninh gần đây nhất được công bố vào năm 2017 dưới thời chính quyền Donald Trump, theo đó nhấn mạnh Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất của Mỹ.

Chính quyền Joe Biden cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc “kiềm chế Nga” trong bối cảnh xung đột Ukraine, đồng thời xác định các lĩnh vực cần tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm cả với các đối thủ cạnh tranh.

Bản báo cáo ban đầu dự kiến được công bố cuối đầu năm nay, nhưng đã bị trì hoãn do xung đột Nga-Ukraine bùng phát sau đó. Các quan chức Mỹ khi đó chưa rõ các diễn biến của cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi các ưu tiên và dự định của Mỹ như thế nào.

Năm 2021, Nhà Trắng từng công bố chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời và văn bản này đã thay đổi chiến lược “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền tiền nhiệm, chuyển sang tập trung cho hợp tác toàn cầu để đối phó với Trung Quốc và chống đại dịch Covid-19.

Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” lớn nhất

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ (NSS) coi Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” lớn nhất, cho rằng Mỹ đang “ở giữa sự cạnh tranh chiến lược nhằm định hình tương lai của trật tự thế giới”.

Văn bản NSS có đoạn: “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định hình lại trật tự quốc tế cũng như sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và kỹ thuật để thực hiện điều đó”.

NSS cũng cho rằng Bắc Kinh đang lên kế hoạch mở rộng không gian ảnh hưởng ở Châu Á-Thái Bình Dương và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Washington và Bắc Kinh xung đột trong nhiều vấn đề như thương mại, các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và các liên minh ngày càng sâu sắc của Washington trong khu vực.

NSS cho biết Mỹ sẽ đầu tư để tăng cường “đổi mới” trong nước, đồng thời hợp tác với các đồng minh vì “mục tiêu chung” để cạnh tranh “có trách nhiệm” với Trung Quốc.

Chiến lược cũng nhấn mạnh sự quan tâm của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, nêu bật tầm quan trọng của can dự ở châu Phi để ứng phó với các vấn đề toàn cầu và kêu gọi tăng cường hội nhập ở Trung Đông nhằm thúc đẩy các nỗ lực hòa bình.  

Trung Quốc hiện chưa lên tiếng về bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ.

Kiềm chế Nga

NSS cáo buộc Nga dấy lên “mối đe dọa tức thì và dai dẳng đối với hòa bình và ổn định quốc tế” thông qua các chính sách của Moscow trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Bản chiến lược cũng cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra sau sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria, sáp nhập Crimea và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác, trong đó có Mỹ.

Văn bản nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh đang hỗ trợ cho Ukraine về mặt quân sự và đẩy mạnh phòng thủ ở các nước thành viên NATO lân cận Nga trong khi tiếp tục trừng phạt Nga.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine chống lại Nga. Chúng tôi cũng sẽ vận động thế giới để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những gì mà họ đã làm ở Ukraine”. NSS cũng cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã chứng minh đó là “tính toán sai lầm chiến lược” của Moscow.

“Mỹ sẽ không cho phép Nga hay bất cứ thế lực nào đạt được mục tiêu thông qua việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”, văn bản nêu rõ.

Nga hiện chưa bình luận về bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ

Theo đuổi giải pháp ngoại giao với Iran

Sau Trung Quốc và Nga, NSS cho rằng, “các thế lực nhỏ hơn” đang hành động gây hấn theo cách gây ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu.

“Đáng chú ý nhất, Iran can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước láng giềng, triển khai tên lửa và UAV thông qua các bên ủy nhiệm, âm mưu gây tổn hại cho Mỹ, trong đó có cả các cựu quan chức, và đang thúc đẩy chương trình hạt nhân xa hơn sự nhu cầu dân sự”.

Iran bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân, tố Mỹ đang quân sự hóa Trung Đông bằng các thỏa thuận vũ khí trị giá hàng tỷ USD với các nước Vùng Vịnh.

NSS nói rằng Mỹ sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao để đảm bảo Iran sẽ không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân, đề cập tới nỗ lực khôi phục thỏa thuận đa phương năm 2015 theo đó Iran giảm quy mô chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.

Trong bản báo cáo chiến lược an ninh, chính quyền Tổng thống Biden nói rằng, Mỹ “sẵn sàng sử dụng các biện pháp khác” để chống lại Iran nếu ngoại giao thất bại.

“Ở Trung Đông, chúng tôi đã làm việc để tăng cường khả năng răn đe đối với Iran, giảm leo thang xung đột khu vực, tăng cường hội nhập giữa một loạt các đối tác trong khu vực và củng cố sự ổn định năng lượng”.

Cam kết giải pháp 2 nhà nước trong vấn đề Israel-Palestine

NSS tái khẳng định cam kết đối với an ninh Israel và liên minh mới nổi giữa Israel và các nước Arab – trong đó có Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

“Chúng tôi sẽ tìm cách mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ ngày càng tăng của Israel với các nước láng giềng và các quốc gia Arab khác, bao gồm cả thông qua Hiệp định Abraham, trong khi vẫn duy trì cam kết chặt chẽ của Mỹ đối với an ninh của Israel”.

Tổng thống Biden đã cam kết Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự và ngoại giao vô điều kiện đối với Israel trong khi không thực hiện được lời hứa tái lập lãnh sự quán cho người Palestine ở Jerusalem.

Tuy nhiên, NSS cho biết Washington cam kết với giải pháp hai nhà nước: “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy giải pháp hai nhà nước khả thi nhằm bảo vệ tương lai của Israel với tư cách là một nhà nước Do Thái và dân chủ, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của người Palestine về một nhà nước an toàn và khả thi của riêng họ”.

Hợp tác toàn cầu

Báo cáo an ninh quốc gia mới của Mỹ cho biết, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các quốc gia, Mỹ “phải duy trì và tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với những thách thức chung”.

Trong một phát biểu về NSS ngày 12/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: Những thách thức xuyên quốc gia không tuân theo các đường biên giới hoặc tuân thủ các hệ tư tưởng - bao gồm biến đổi khí hậu, dịch bệnh và mất an ninh lương thực - là một thách thức chiến lược lớn đối với Washington.

“Chiến lược của chúng tôi nhằm giải quyết những thách thức chung đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu bao gồm hai hướng đồng thời: một hướng, chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các quốc gia và thể chế để hợp tác giải quyết các mối đe dọa chung, bao gồm cả việc thúc đẩy cải cách trong đó các phản ứng thể chế đã được chứng minh là không đủ. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực gấp đôi để tăng cường hợp tác với các đối tác cùng chí hướng”.

Báo cáo mô tả cuộc khủng hoảng khí hậu là “thách thức liên quan tới sự tồn tại của thời đại chúng ta”, nêu bật những nỗ lực của Mỹ nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu trong nước đồng thời làm việc thông qua các thể chế và thỏa thuận quốc tế nhằm giảm lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính./.