Gia nhập NATO vốn là nguyện vọng của Ukraine và được ghi trong Hiến pháp nước này kể từ năm 2019. Tuy nhiên, nỗ lực đó từ lâu đã trở thành nguồn gốc của mọi căng thẳng với Nga - quốc gia vốn coi sự mở rộng về phía Đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất.
Lý do Ukraine ký đơn gia nhập NATO ở thời điểm này
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky nộp đơn xin gia nhập NATO gần như ngay lập tức sau khi Nga chính thức sáp nhập 4 vùng đất ở phía Đông và Đông Nam nước này. Trong lá đơn, Tổng thống Ukraine nói rất rõ rằng Ukraine muốn được trở thành thành viên đầy đủ của NATO thông qua một quy trình rút gọn.
Việc Ukraine xin gia nhập NATO không phải chuyện mới bởi đây chính là một trong những lý do lớn nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng tồi tệ hiện nay tại đất nước này. Nhưng lá đơn mới nhất của Ukraine mang nhiều mục đích. Đầu tiên, đây là động thái đáp trả việc Nga sáp nhập 4 vùng đất của Ukraine. Về mặt chính trị, đó là cách mà Ukraine gửi đi thông điệp rằng nếu Nga tiếp tục leo thang xung đột thì Ukraine sẽ lại càng quyết tâm theo đuổi điều mà Nga không mong muốn nhất, đó là trở thành một thành viên đầy đủ của NATO.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng, đây là cách Ukraine gây áp lực để buộc các nước NATO phải hỗ trợ nhiều hơn về ngoại giao và quân sự cho Ukraine. Mỗi bước leo thang xung đột tại Ukraine hiện nay đều có vai trò và ảnh hưởng của các nước phương Tây và trên thực tế phương Tây đang trở thành một bên tham gia vào xung đột này, dù chính các lãnh đạo phương Tây luôn phủ nhận.
Do đó, dưới góc nhìn của chính quyền Ukraine, phương Tây có trách nghiệm, nghĩa vụ về chính trị cũng như đạo đức trong việc duy trì và gia tăng sự ủng hộ đối với Ukraine về chính trị, ngoại giao, quân sự. Tư duy này đã được Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky nhiều lần phát biểu công khai trước các lãnh đạo phương Tây, rằng Ukraine đang chiến đấu không chỉ để bảo vệ lãnh thổ của mình mà còn là bảo vệ biên giới cho phương Tây và như thế, Ukraine có quyền đòi hỏi.
Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa rằng lá đơn xin gia nhập NATO của Ukraine chỉ là một động thái chính trị nhằm đòi hỏi sự trợ giúp nhiều hơn từ phương Tây. Quyết tâm gia nhập NATO của chính quyền Ukraine hiện nay là có thật và đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp từ 2019. Quyết tâm này đã có những thời điểm chùng xuống trong giai đoạn đầu của xung đột, khi mọi lời kêu gọi NATO trực tiếp can thiệp bằng cách lập vùng cấm bay, gửi máy bay chiến đấu, xe tăng…bị từ chối. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky từng thừa nhận rằng nước này có lẽ sẽ không bao giờ vào được NATO.
Nhưng các thay đổi lớn trên chiến trường thời gian qua đang làm sống lại hy vọng cho Ukraine. Việc quân đội Ukraine phản công và giành được một số thắng lợi nhất định tại miền Đông đang khiến cho các lãnh đạo Ukraine và phương Tây ngày càng ít dè dặt hơn khi đề cập đến các lời đe doạ từ Nga.
Có thể vẫn hơi sớm để nói về cách cuộc xung đột này sẽ kết thúc nhưng các biểu hiện vào thời điểm này cho thấy, sức mạnh răn đe của Nga đang có dấu hiệu bị xói mòn. Bản thân chính quyền Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây đang ngày càng tự tin hơn, công khai thảo luận nhiều hơn đến các kịch bản đánh bại Nga hay thậm chí cả việc tấn công trực diện vào quân đội Nga và trên thực tế, dòng vũ khí phương Tây đổ về Ukraine vẫn ngày càng lớn hơn, bất chấp các cảnh báo leo thang từ phía Nga.
Các lãnh đạo Ukraine có lẽ cũng nhận thức được rằng Ukraine có thể vẫn còn cơ hội gia nhập NATO trong tương lai và cần tận dụng khoảng thời gian thuận lợi này để đẩy hồ sơ gia nhập tiến thêm một bước. Như Tổng thống Zelensky thừa nhận, lãnh đạo Ukraine có một lo ngại thực sự rằng Nga có thể dùng đến vũ khí hạt nhân để giải quyết xung đột nên theo quan điểm của Ukraine, việc xin gia nhập NATO là một bước đi mang tính tồn vong đối với quốc gia này.
Quan điểm của các nước NATO
Sau khi Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO, đã có 9 quốc gia thành viên NATO ra tuyên bố chung ủng hộ NATO sớm kết nạp Ukraine, bao gồm Ba Lan, CH Séc, Slovakia, Romania, Bắc Macedonia, Montenegro và 3 quốc gia Baltic. Đây là điều không ngạc nhiên bởi nhóm các nước Đông Âu và Baltic luôn là các quốc gia mang quan điểm chống Nga mạnh mẽ nhất, từ trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Điều này xuất phát từ các vướng mắc trong lịch sử khi trong quá khứ đây đều là các nước hoặc từng là thành viên của Khối Hiệp ước Warsaw do Liên Xô dẫn đầu hoặc thậm chí như 3 nước Baltic còn là các nước Cộng hoà nằm trong Liên bang Xô Viết. Do đó, các nước này có mối liên hệ lịch sử rất phức tạp và nhạy cảm với Nga, cả về địa chính trị, văn hoá lẫn nhân chủng.
Từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các nước này đã ngả hẳn sang phương Tây và theo đuổi các chính sách chống Nga quyết liệt. Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các nước này không chỉ ủng hộ mạnh mẽ Ukraine mà còn thúc giục NATO và EU đưa ra các chính sách chống Nga cứng rắn nhất, thậm chí lãnh đạo Ba Lan hay một số nước Baltic còn nhiều lần đề nghị NATO trực tiếp can thiệp vào xung đột.
Tuy nhiên, lãnh đạo các cường quốc trong NATO như Mỹ hay Đức và cả Tổng Thư ký NATO, Jens Stoltenberg thì đưa ra các quan điểm thận trọng hơn. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan cho rằng việc quan trọng nhất bây giờ là các nước NATO tiếp tục đẩy mạnh trợ giúp Ukraine còn việc Ukraine xin gia nhập NATO nên được thảo luận vào thời điểm khác.
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg thì đưa ra một câu trả lời rất ngoại giao rằng cánh cửa NATO luôn mở nhưng việc gia nhập NATO cần có sự đồng ý của toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO. Thái độ thận trọng này cũng không khó hiểu bởi trụ cột cho sự tồn tại của NATO là điều 5 của Hiệp ước của khối này về phòng thủ tập thể, theo đó NATO coi việc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của khối cũng là tấn công vào tất cả NATO và NATO sẽ đáp trả một cách tập thể.
Nếu NATO kết nạp một quốc gia đang có xung đột quân sự trên lãnh thổ như Ukraine làm thành viên cũng đồng nghĩa với việc NATO phải có nghĩa vụ đáp trả các cuộc tấn công vào Ukraine, tức phải tuyên chiến với Nga và biến xung đột Nga-Ukraine thành một cuộc chiến tổng lực NATO-Nga với nguy cơ đe doạ đến sự tồn vong của toàn thể nhân loại do hai bên đều sở hữu các kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Đây là điều mà NATO kiên quyết né tránh từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và cũng là lí do đến thời điểm này NATO vẫn tương đối kiềm chế, không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tấn công hiện đại hơn dù trên thực tế đã hỗ trợ toàn diện cho Ukraine về vũ khí, huấn luyện và tình báo.
Một lí do khác khiến Mỹ hay Đức chưa thực sự mặn mà với việc kết nạp Ukraine vào NATO là vì hiện nay chiến lược mà NATO theo đuổi, tức biến Ukraine thành nơi tiến hành cuộc chiến uỷ nhiệm chống lại Nga đang có dấu hiệu phát huy hiệu quả nên NATO không thấy cần thiết phải có một sự thay đổi mang tính leo thang nghiêm trọng là kết nạp Ukraine làm thành viên.
Khả năng để Ukraine sớm gia nhập NATO cũng gần như không có bởi trong 30 nước thành viên NATO, một số nước như Hungary hay Thổ Nhĩ Kỳ gần như chắc chắn sẽ phủ quyết. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng từng tiết lộ hồi đầu năm 2022, ông đã thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Ukraine chắc chắn không thể gia nhập NATO trong ít nhất là 30 năm nữa.
Tác động đối với cuộc xung đột hiện nay
Trong nhiều ngày qua, rất nhiều thảo luận tại các nước phương Tây đang tập trung quanh câu hỏi: liệu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine hay không và nếu điều đó xảy ra, phương Tây sẽ phải phản ứng ra sao?
Đây chính là quãng thời gian nguy hiểm nhất của xung đột Nga-Ukraine. Sau khi Nga sáp nhập 4 vùng đất của Ukraine, chính quyền Ukraine cùng phương Tây đã phản ứng bằng việc gia tăng các hoạt động phản công, gia tăng việc cung cấp vũ khí và tiếp tục thu được một số kết quả quan trọng trên chiến trường, mới nhất là việc tái chiếm thành phố Lyman ở miền Đông. Tất cả những diễn biến này gây sức ép rất lớn lên phía Nga bởi Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố trong lễ sáp nhập 4 vùng đất Ukraine rằng Nga sẽ dùng tất cả các phương tiện, các loại vũ khí đang sở hữu để bảo vệ lãnh thổ của Nga, bao gồm cả 4 vùng đất Nga vừa sáp nhập.
Vì vậy Nga đang đứng trước áp lực rất lớn về việc phải đáp trả các hoạt động quân sự không ngừng gia tăng từ Ukraine và phương Tây bởi nếu không thì quân đội Nga có nguy cơ hứng chịu các tổn thất lớn và nghiêm trọng hơn, đó là sức mạnh và uy tín chính trị của Nga sẽ ngày càng bị tổn hại, điều có thể dẫn đến những bất ổn địa chính trị mang tính dây chuyền đáng lo ngại hơn trong các vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga tại Trung Á và khu vực Caucasus.
Khi một tình huống như thế xuất hiện, giới quân sự phương Tây lo ngại Nga sẽ triển khai kế hoạch nguy hiểm nhất là dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên đất Ukraine. Hậu quả khi đó sẽ vô cùng nghiêm trọng với tất cả các bên tham gia xung đột và thậm chí với toàn thế giới bởi khi đó cuộc xung đột sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường với nguy cơ leo thang thảm khốc.
Đa số giới phân tích phương Tây hiện đánh giá rằng, dù kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine chưa cao nhưng đây là một cảnh báo có thật và phương Tây phải chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất.
Ngay cả một người có tầm ảnh hưởng nhưng rất kín tiếng từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây cũng đã phải nhắc nhở rằng các nước phương Tây cần phải xem xét các tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin một cách nghiêm túc. Cảnh báo của bà Merkel đã dấy lên rất nhiều lo ngại tại châu Âu bởi Thủ tướng Đức được xem là lãnh đạo phương Tây có mối quan hệ tốt nhất và hiểu rõ nhất Tổng thống Nga Vladimir Putin trong 2 thập kỷ gần đây.
Phương Tây khi đó sẽ có rất ít lựa chọn đáp trả và lựa chọn nào cũng rất nguy hiểm. Nhìn chung, các diễn biến tiếp theo của xung đột Nga-Ukraine rất khó lường và tiềm ẩn hiểm hoạ vượt ra ngoài khuôn khổ của một khủng hoảng khu vực, do đó để tránh các kịch bản tồi tệ nhất, các bên có lẽ phải bắt đầu suy tính đến các giải pháp ngoại giao, dù muốn hay không./.