Ảnh hưởng của vụ nổ trên cầu Crimea
Sau khi xảy ra vụ nổ trên cầu Crimea ngày 8/10, Nga đã tăng cường nỗ lực sửa chữa tuyến giao thông quan trọng nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga này.
Trong những tuyên bố công khai về vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc các cơ quan đặc nhiệm Ukraine đứng đằng sau và gọi đây là "một vụ tấn công khủng bố" nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự.
"Những kẻ lên kịch bản, thâm nhập và chủ mưu là các cơ quan an ninh Ukraine", Tổng thống Putin nhận định ngày 9/10.
Ukraine chưa đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Ông Mykhailo Podolyak - cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản ứng trước nhận định trên của Tổng thống Putin và cáo buộc Nga tiến hành các cuộc tấn công sau đó vào Zaporizhzhia.
"Chỉ có một quốc gia khủng bố duy nhất ở đây và cả thế giới đều biết đó là ai", ông Podolyak viết trên Twitter.
Việc nhắm vào cầu Crimea được cho là giống với các kế hoạch của Ukraine trong những tháng gần đây: Đó là làm gián đoạn nguồn cung hậu cần của Moscow để làm tiêu hao sức mạnh và ý chí của quân đội Nga trước khi thực hiện các cuộc tấn công.
Giữa bối cảnh giao tranh diễn ra dữ dội ở mặt trận phía Nam, nơi Ukraine đang cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trong những ngày đầu cuộc chiến, lực lượng Ukraine tuyên bố đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào các trung tâm hậu cần và kho đạn dược của Nga trong khu vực.
Ngày 8/10, Ukraine cho biết quân đội nước này đã sử dụng hệ thống pháo phản lực HIMARS phá hủy một trung tâm đường sắt mà quân đội Nga sử dụng ở phía Nam khu vực Donetsk. Kiev cũng nói rằng, bằng việc sử dụng hệ thống HIMARS, Ukraine đã khiến cho hầu hết các cây cầu bắc qua sông Dnipro ở khu vực Kherson không thể hoạt động, chia cắt thành phố Kherson và các khu vực xung quanh với những vùng lãnh thổ khác do Nga kiểm soát.
"Nếu họ (Nga - ND) không thể sửa chữa cây cầu để sử dụng nó ở mức độ cần thiết, họ sẽ đối mặt với tình thế vô cùng thách thức trong việc bổ sung hậu cần", Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges - người từng là chỉ huy Lục quân Mỹ ở châu Âu nhận định về tình hình Crimea.
"Điều này không chỉ xảy ra với các lực lượng của Nga mà cả những người sống ở đây", ông Ben Hodges nói.
Việc cung cấp hậu cần của quân đội Nga chủ yếu dựa vào giao thông đường sắt và tuyến đường sắt quan trọng hiện nay đi qua khu vực cầu Crimea bị hư hại.
"Đường sắt có vai trò quan trọng để cung cấp cũng như đưa ra ngoài nhiều vũ khí hạng nặng", ông Hodges cho hay.
Cầu Crimea là một công trình có ý nghĩa biểu tượng quan trọng khi được coi như biểu tượng của sức mạnh Nga và có mục đích kiểm soát lâu dài vùng lãnh thổ sáp nhập từ Ukraine này.
Không ảnh hưởng đến tuyến hậu cần của Nga về dài hạn
Các quan chức Nga cho biết giao thông đi lại qua cây cầu này đang dần được nối lại và các phương tiện thay thế như phà đã được huy động để vận chuyển các nguồn cung cần thiết.
Ngày 9/10, Bộ Giao thông Nga cho biết các tàu chở hàng và tàu chở khách đường dài có thể rời Crimea và đi qua cầu tới Nga. Các nhà chức trách không nói khi nào các chuyến tàu có thể bắt đầu di chuyển từ Nga tới Crimea. Ô tô, ngoại trừ xe tải, cũng đã được phép đi lại qua cầu.
Bộ Giao thông Nga cùng ngày cũng cho biết, các tài xế xe tải có thể sử dụng các tuyến đường bộ đi qua các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine. Tuần trước, Tổng thống Putin đã ký thành luật, chính thức sáp nhập các vùng lãnh thổ này nhưng Moscow vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát chúng. Tuyến đường trên đi qua Melitopol ở khu vực Zaporizhzhia tới Mariupol ở bờ biển phía Bắc Biển Azov và tới thành phố cảng Taganrog ở Tây Nam nước Nga.
Các nhà chức trách Crimea đã yêu cầu người dân không sử dụng cầu trừ trường hợp cần thiết bởi khả năng hạn chế của nó, Tass đưa tin.
Nga cũng cho biết nước này bắt đầu sử dụng phà để vận chuyển hành khách và hàng hóa qua Eo biển Kerch - chia cắt Nga với Bán đảo Crimea. Trước khi cầu Crimea được xây dựng, phà vẫn là phương tiện kết nối trực tiếp giữa hai bên của eo biển này.
Các chuyên gia cho biết họ không chắc liệu cây cầu đủ khả năng để vận chuyển các phương tiện hạng nặng hay không.
Ông David MacKenzie, giám đốc kỹ thuật cấp cao tại COWI Holding AS, một công ty có trụ sở tại Đan Mạch chuyên thiết kế và xây dựng những cây cầu lớn nhất và dài nhất thế giới, cho biết Nga sẽ mất một vài tháng để khôi phục hoàn toàn các phần bị hư hại của cây cầu. Theo chuyên gia này, việc hạn chế xe tải và tàu đi qua có thể do lo ngại kết cấu của cây cầu bị hư hại.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh - một think tank có trụ sở tại Washington nhận định, việc cầu Crimea bị hư hại sẽ không làm gián đoạn nguồn cung của Nga trong thời gian dài nhưng có thể gây nên những vấn đề đáng kể cho Moscow về ngắn hạn.
"Các lực lượng của Nga vẫn có thể vận chuyển vũ khí hạng nặng qua đường sắt. Các quan chức Nga có thể sẽ tăng cường kiểm tra an ninh với tất cả phương tiện qua cầu, nhưng việc này sẽ làm trì hoãn quá trình vận chuyển phương tiện quân sự, quân nhân và nguồn cung hậu cần tới Crimea".
Bình luận sau vụ nổ trên cầu Crimea, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhận định với ABC News ngày 9/10 rằng, Mỹ không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột với Ukraine./.