Trên tài khoản Telegram của mình, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi đã đưa ra những đánh giá không mấy tích cực khi cho rằng tình hình ngày càng tồi tệ hơn và quân đội nước này liên tục hứng chịu các cuộc tấn công trên tiền tuyến.

Trong khi đó, quân đội Nga không ngừng tìm cách thích nghi trên chiến trường Ukraine. Điều này khiến các nhà quan sát đặt câu hỏi những điều Moscow đang làm có gì khác biệt và Nga đã rút ra được những bài học gì?

Tận dụng khả năng trên không

Nga đã nhanh chóng lợi dụng tình trạng cạn kiệt vũ khí phòng không của Ukraine và trong những cuộc giao tranh ở quanh Chasiv Yar, các tiêm kích Su-25 đã hỗ trợ không lực tầm gần cho các lực lượng bộ binh của Moscow.

Nga cũng đang sử dụng các vũ khí tầm xa hơn, chẳng hạn như bom lượn. Chỉ riêng trong năm nay, Nga đã thả 3.500 quả bom lượn ở Ukraine, tăng 1.600% so với năm ngoái.

Các tiêm kích MiG-31 cũng được sử dụng để buộc lực lượng không quân Ukraine phải giữ khoảng cách khi chúng có khả năng hoạt động trong lãnh thổ Nga và phóng các tên lửa tầm xa R-37M để tấn công các tiêm kích của Kiev nằm cách hơn 200km.

Nga cũng đang sử dụng UAV cảm tử như Lancet với phiên bản mới nhất có thể mang vũ khí nhiệt áp hoặc đầu đạn nổ mạnh nặng 5kg.

Tốc độ thích nghi

Một thay đổi nữa là nhịp độ thích nghi của Nga khi các chỉ huy đưa ra những thay đổi nhanh chóng hơn. Họ đã thành lập 2 đội quân phối hợp, một quân đoàn trên không và 50 đơn vị quân sự khác từ khi xung đột nổ ra.

Nga hiện có thể thay thế các tổn thất trên chiến trường và các nhà máy đang sản xuất được 100 xe tăng chiến đấu chủ lực mỗi tháng.

Di dời Hạm đội Biển Đen

Một khu vực khác mà Nga đang thích nghi là trên Biển Đen. Lần đầu tiên trong nhiều tháng, Moscow phóng các tên lửa hành trình Kalibr từ 2 tàu ngầm lớp Kilo. Bộ Quốc phòng Anh cho biết Hải quân Nga đã cải thiện các cơ sở tại bến cảng ở Novorossiysk, cách Sevastopol 400km về phía Đông. Điều này cho phép Moscow tái triển khai Hạm đội Biển Đen và sử dụng nơi này như một căn cứ cho các tên lửa được phóng từ tàu khu trục và tàu ngầm.

Tác chiến điện tử

Nga cũng đang điều chỉnh các chiến thuật tác chiến điện tử. Trong giai đoạn đầu xung đột, một cuộc tấn công mạng của Nga được cho là đã làm tê liệt mạng lưới liên lạc quân sự của Ukraine.

Kiev đã chuyển sang hệ thống Starlink của tỷ phú Elon Musk, sử dụng các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Các thiết bị gây nhiễu của Nga được cho là không hiệu quả trong việc ngăn chặn hệ thống trên nhưng Moscow đã rút ra bài học cho mình. Hiện nay, Nga triển khai nhiều thiết bị gây nhiễu tầm ngắn, trong đó RP-377, được trang bị cho các phương tiện như xe chiến đấu bộ binh BMP và xe tăng T-80.

Những thiết bị này không nhắm vào các vệ tinh mà thay vào đó chặn các thiết bị đầu cuối và gây nhiễu các tín hiệu vô tuyến của Ukraine cũng như đường dẫn vô tuyến tới các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV). Dù vậy, hiệu quả của các biện pháp trên vẫn đang được đặt câu hỏi.

Xung đột tiêu hao

Nga đã tăng quy mô quân đội lên 1,3 triệu binh lính và giới quan sát cho rằng Moscow có thể chấp nhận mức độ tổn thất mà Ukraine không thể duy trì được. Việc tập trung vào số lượng đã mang đến cho Nga thành quả và các nguồn lực của nước này đều đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiêu hao.

Mới đây, ngày 1/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng Nga cần tăng cường số lượng và chất lượng vũ khí cho cuộc xung đột ở Ukraine để duy trì khả năng tấn công vào các phòng tuyến của Kiev.

"Để duy trì nhịp độ tấn công cần thiết và đảm bảo tăng cường sức mạnh của các nhóm quân đội cho các hành động sau này, cần phải tăng cường số lượng và chất lượng các vũ khí cũng như trang thiết bị quân sự cho các binh lính", ông Shoigu nói.

Một số nhà quan sát nhận định, mặc dù Ukraine đang đối phó với những điều chỉnh của Nga và cũng có những điều chỉnh cho riêng mình nhưng rõ ràng Moscow đang học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và chiến đấu ngày càng hiệu quả trên mọi mặt trận.