Trước truyền thông, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều khẳng định không có thay đổi chính thức nào về chính sách đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, hai quan chức giấu tên đã bày tỏ quan điểm ngược lại.

Theo nguồn tin của Politico, các quan chức Mỹ và châu Âu hiện đang thảo luận về việc tái triển khai quân đội Ukraine sau cuộc phản công không như kỳ vọng và lực lượng của Kiev phải chuyển sang thế phòng thủ.

Nguồn tin này cũng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine “chừng nào vẫn cần thiết”, nhưng giờ đây thay vào đó là “chừng nào chúng tôi còn có thể”.

Chính phủ Mỹ ngày 27/12 công bố gói vũ khí 250 triệu USD cho Ukraine, gói viện trợ cuối cùng trong quỹ khả dụng của Washington, giữa lúc quốc hội nước này chưa duyệt gói hỗ trợ mới.

“Lô viện trợ cuối cùng cho Ukraine trong năm nay có giá trị 250 triệu USD, bao gồm đạn và các thiết bị cho hệ thống phòng không, rocket cho pháo phản lực HIMARS, đạn pháo 155 và 105 mm, đạn chống tăng và hơn 15 triệu viên đạn súng bộ binh”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 27/12.

Người phát ngôn giấu tên của Nhà Trắng cho hay, các cuộc đàm phán luôn là mục tiêu cuối cùng của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine, nhấn mạnh rằng tất cả viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine đều nhằm mục đích trao cho Kiev “khả năng tốt nhất”.

Cuối tuần trước, tờ New York Times có bài viết cho hay, hai cựu quan chức cấp cao Nga có quan hệ thân cận với Điện Kremlin và các quan chức Mỹ nói rằng Tổng thống Nga Putin đã “ra tín hiệu thông qua các bên trung gian ít nhất kể từ tháng 9 rằng ông sẵn sàng chấp nhận một lệnh ngừng bắn nhằm đóng băng hoạt động quân sự với Ukraine”. Nga sau đó đã bác bỏ thông tin này.

Politico cho rằng, điều mà Nhà Trắng lo ngại hiện nay là Nga có thể không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Bên cạnh đó, Nga có thể sẽ tiến hành các đợt tấn công mới vào mùa xuân tới.