Các lệnh trừng phạt lần này được áp dụng đối với 106 cá nhân và 88 thực thể chịu trách nhiệm duy trì sự hỗ trợ đối với Nga, như trong tuyên bố của Hội đồng EU đã mô tả là một cuộc chiến không chính đáng. Những người được chỉ định sẽ bị phong tỏa tài sản, trong khi các công dân và công ty của EU hiện bị cấm cung cấp vốn cho đối tượng này. Ngoài ra, các cá nhân bị trừng phạt sẽ phải đối mặt với lệnh cấm du lịch, không được nhập cảnh hoặc quá cảnh qua lãnh thổ EU.

Liên minh châu Âu (EU) đang thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực quân sự và quốc phòng của Nga, nhắm mục tiêu vào các thực thể khác ở các nước thứ ba cung cấp và hỗ trợ thiết bị quân sự, khí tài cho Nga. Hầu hết các công ty và tổ chức đều đã nằm trong danh sách trừng phạt, nhưng các biện pháp mới chống lại các nhóm này đã được tăng cường. Tuy nhiên, Hội đồng EU đã bổ sung thêm 27 thực thể mới hỗ trợ trực tiếp cho cuộc chiến của Nga, khiến họ phải chịu những hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng, cũng như các mặt hàng có thể tăng cường công nghệ cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Nga.

Một số thực thể này có trụ sở ở các nước thứ ba, bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Serbia, Kazakhstan, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, và có liên quan đến việc trốn tránh các hạn chế thương mại. Theo tuyên bố, những đối tượng khác là các thực thể của Nga tham gia vào việc phát triển, sản xuất và cung cấp linh kiện điện tử cho tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga.

Gói trừng phạt thứ 13 cũng mở rộng phạm vi các mặt hàng bị hạn chế có thể tăng cường khả năng công nghệ của ngành quốc phòng và an ninh Nga bằng cách kết hợp các bộ phận để phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV). Ngoài ra, các  biện pháp này còn áp đặt các hạn chế mạnh mẽ hơn nữa đối với việc xuất khẩu hàng hóa đặc biệt góp phần nâng cao năng lực công nghiệp của Nga, chẳng hạn như máy biến thế điện.

Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell nhấn mạnh rằng, EU vẫn thống nhất trong quyết tâm làm suy yếu các nỗ lực trong cuộc xung đột hiện nay của Nga và hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột cũng như khôi phục độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước này.

Quyết định mới nhất của EU cũng ảnh hưởng đến Vương quốc Anh, liên kết nước này với một nhóm các quốc gia đối tác đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối với việc nhập khẩu sắt thép từ Nga. Động thái này củng cố một mặt trận thống nhất chống lại Nga, thể hiện nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía nhằm hạn chế dòng nguyên liệu quan trọng chảy vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga. Trước đó, ngày 23/2, Ngoại trưởng Anh đã công bố hơn 50 lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và pháp nhân ở Nga, cũng như nước ngoài hoạt động cho lợi ích của Moscow, tập trung chính là vào lĩnh vực dầu khí. Gói trừng phạt là một phần trong nỗ lực của London nhằm giảm các nguồn hỗ trợ tài chính cho Nga và ngăn chặn việc lách các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Cho đến nay, cả EU và Vương quốc Anh đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng lẻ với hơn 2.000 cá nhân và tổ chức bởi vai trò của họ trong việc hỗ trợ Nga đối với cuộc xung đột hiện nay.