Bất chấp lời khẳng định cuộc gặp diễn ra thành công, dư luận vẫn dấy lên hoài nghi về những mâu thuẫn giữa hai quốc gia "đầu tầu" có thể tác động đến sự đoàn kết của EU trong giải quyết các thách thức hiện nay của khối này.
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã thảo luận về vấn đề nguồn cung năng lượng của châu Âu, tình trạng lạm phát đang tạo ra những bất ổn xã hội và các dự án quốc phòng chung.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, Đức và Pháp sát cánh bên nhau và cùng nhau giải quyết các thách thức. Ông đánh giá cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Pháp đã diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, việc 2 nhà lãnh đạo không tổ chức họp báo chung như thường lệ, cũng như không ra tuyên bố về cuộc gặp, phần nào cho thấy những vấn đề bất đồng vẫn còn đó.
Trước cuộc gặp, 2 bên đã hoãn cuộc tham vấn hội đồng bộ trưởng song phương, động thái được cho là phản ánh sự thất vọng của Tổng thống Pháp về việc hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, trong khi Đức đổ lỗi những khó khăn về hậu cần để tổ chức cuộc họp.
Căng thẳng giữa “hai ông lớn châu Âu” nổ ra trong bối cảnh EU vẫn đang cố gắng để tìm kiếm một thỏa thuận về vấn đề áp trần giá khí đốt. Trong khi Pháp bảo vệ giải pháp áp trần giá khí đốt của châu Âu, thì chính phủ Đức chỉ đồng ý vào tuần trước với một số điều kiện kèm theo. Sự “lục đục” giữa 2 nước cũng đang ảnh hưởng đến kế hoạch của châu Âu trong việc chế tạo thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo, các dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên EU...
Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran cho biết Pháp vẫn quan tâm đến việc đảm bảo quan hệ với Đức để vượt qua mọi khó khăn phát sinh theo thời gian:
"Chúng tôi muốn đảm bảo giữ cho đầu tàu Pháp - Đức hoạt động tốt. Chuyến thăm của Thủ tướng Đức tại Elysee là minh chứng cho tình bạn vẫn tồn tại sống động và tốt đẹp, đáp ứng mong muốn cùng nhau tiến về phía trước. Chúng tôi có thể vượt qua những khó khăn của thời điểm mà hai bên có những ưu tiên khác nhau. Điểm mạnh của bộ đôi Pháp - Đức nằm ở chỗ luôn có thể hòa hợp nhau và đẩy phần còn lại của châu Âu tiến lên”.
Dù vậy, trên thực tế, dường như cả Đức và Pháp đang đi những con đường riêng. Đức mới đây bỏ phiếu thông qua gói khẩn cấp trị giá 200 tỷ euro (197 tỷ USD) để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình giữa “bão giá khí đốt và điện” mà không thông báo cho Pháp. Hơn nữa, tại một cuộc họp NATO gần đây, Đức đã ký thỏa thuận với 14 quốc gia NATO khác và Phần Lan về một hệ thống phòng không mới có tên là Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu (hay ESSI). Sáng kiến này nhằm tạo ra một chương trình phòng không chung trên lục địa, nhưng không có Pháp.
Theo phân tích của tờ DW (Đức), khủng hoảng quan hệ Pháp - Đức đe dọa làm suy yếu khả năng hành động của EU. Giới phân tích cho rằng không có quốc gia châu Âu nào đủ lớn để tự mình đảm bảo ổn định chính trị và EU cần sự đồng thuận cơ bản giữa Pháp và Đức để giải quyết các vấn đề chung của khối. Vì thế, EU không thể hoạt động tốt nếu thiếu bộ đôi đoàn kết Pháp - Đức./.