Anh - nước đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm nay (13/7) do Mỹ, Albania, Pháp, Nhật Bản, Malta và chính nước này yêu cầu.

Trước đó, hôm qua (12/7) Triều Tiên xác nhận, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) chạy bằng nhiên liệu rắn Hwasong-18 ra vùng biển phía Đông, nhằm khẳng định khả năng và độ tin cậy của hệ thống vũ khí chiến lược mới. Tên lửa đã bay 1.001 km trong 4.491 giây và đạt đến độ cao tối đa 6.648 km, trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông nước này.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định một loạt cuộc tấn công quân sự mạnh mẽ hơn sẽ được nước này phát động cho đến khi Mỹ và đồng minh của Washington thừa nhận thất bại đối với chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng và từ bỏ chính sách của họ. Động thái của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh trước đó nước này cáo buộc máy bay do thám Mỹ vi phạm không phận, cũng như chỉ trích chuyến thăm gần đây của một tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc.

Tuy nhiên vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ các bên, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge cho rằng, đây là sự vi phạm “nghiêm trọng” nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng một cách không cần thiết cũng như thổi bùng nguy cơ gây bất ổn tình hình an ninh trong khu vực. Ông Hodge yêu cầu các bên lên án hành vi vi phạm của Triều Tiên và kêu gọi nước này ngồi vào bàn đàm phán.

Trong cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Litva, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi thiết lập một thế trận an ninh tập thể mạnh mẽ cùng với Nhật Bản, Australia và New Zealand (còn gọi là nhóm AP4) sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc cũng chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia để bàn về các biện pháp đối phó.

Trong khi đó, về phía Nhật Bản, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nhấn mạnh, hành động của Triều Tiên là động thái khiêu khích, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

“Hàng loạt hành động của Triều Tiên, bao gồm cả các vụ phóng tên lửa đạn đạo đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản, khu vực cũng như cộng đồng quốc tế là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Sau động thái của Triều Tiên, các phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đã tiến hành hội đàm. Theo đó, ba bên nhất trí phản ứng cứng rắn đối với các hành động mang tính "khiêu khích" của Triều Tiên, dựa trên phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Trong một động thái liên quan, hôm qua (12/7) NATO cũng bày tỏ quan ngại về các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.  

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Chúng tôi đang theo chặt chẽ đồng thời lên án các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, điều này vi phạm các quy tắc quốc tế và đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”

Vụ phóng tên lửa liên lục địa mới nhất, diễn ra chỉ ba tháng sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tương tự hồi tháng 4, cũng như nước này cảnh báo sẽ bắn hạ máy bay do thám Mỹ vi phạm không phận, cho thấy Triều Tiên đang áp dụng chính sách cứng rắn, sẵn sàng “ăn miếng, trả miếng” đối với Mỹ và đồng minh. Theo các chuyên gia, nếu các bên vẫn áp dụng chính sách cứng rắn, không nhượng bộ như hiện nay thì an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực sẽ đối diện với vòng xoáy bạo lực không có hồi kết.