Động thái của Triều Tiên diễn ra ngay trước thềm lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đất nước. Một số quốc gia đã bày tỏ quan điểm trước động thái mới từ Triều Tiên.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay (8/9) đưa tin, lễ hạ thủy tàu ngầm diễn ra hôm 6/9, là sự khởi đầu một chương mới trong nỗ lực củng cố lực lượng hải quân của Triều Tiên; thể hiện rõ hơn ý chí kiên định của nước này trong việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân cả về chất lượng và số lượng; qua đó đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới của Triều Tiên, mang tên vị anh hùng Kim Kun-ok sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ chiến đấu với vai trò là một trong những phương tiện tấn công dưới nước “cốt lõi” của lực lượng hải quân Triều Tiên.

Tại lễ hạ thủy, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gọi việc trang bị vũ khí hạt nhân cho hải quân là “nhiệm vụ cấp bách của thời đại”. Ông Kim Jong Un ra lệnh nhanh chóng chuyển giao các tàu ngầm và tàu mặt nước được trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Hải quân Triều Tiên; đồng thời công bố kế hoạch đóng thêm tàu ngầm, trong đó có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Những bức ảnh ban đầu do KCNA công bố cho thấy, tàu ngầm mới của Triều Tiên được trang bị 10 ống tên lửa, có khả năng phóng các loại tên lửa đạn đạo và các phương tiện dưới nước không người lái được trang bị vũ khí hạt nhân.

Ngay lập tức, giới quân sự Hàn Quốc đã có những đánh giá ban đầu về tàu ngầm mới của Triều Tiên từ hình ảnh được công bố. Theo một quan chức Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS), các bộ phận của tàu ngầm đã được mở rộng, cải tiến để mang thêm nhiều tên lửa. Dẫu vậy, hiệu quả hoạt động sẽ vẫn chưa rõ sẽ như thế nào. Ngoài ra, khi gọi đây là tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật cho thấy nhiều khả năng nó không thể mang tên lửa đạn đạo tầm xa, vốn có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ; thay vào đó là những tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc hành trình.

Quân đội Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh Mỹ, Nhật Bản để đánh giá thêm tình hình, đồng thời vẫn duy trì tư thế sẵn sàng để đáp trả trước các hành động khiêu khích mới.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố, hoạt động quân sự của Triều Tiên đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng và cấp bách hơn đối với an ninh nước này và khu vực so với trước đây.

Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang tìm kiếm tăng cường hợp tác quân sự với Nga và Trung Quốc, trong khi hợp tác an ninh 3 bên giữa Mỹ - Nhật - Hàn cũng ngày càng được đẩy mạnh. Động thái cũng xuất hiện trong bối cảnh Mỹ tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sắp tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thảo luận về một thỏa thuận mua bán vũ khí.

Trong một diễn biến liên quan, hôm qua (7/9), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Indonesia, trong đó có đề cập yêu cầu Bắc Kinh làm nhiều hơn với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.