Hôm 15/11, một tên lửa đã phát nổ ở một ngôi làng tại Ba Lan, gần biên giới Ukraine, khiến hai người thiệt mạng.
"Từ thông tin mà chúng tôi và các đồng minh có được, đó là tên lửa S-300 do Liên Xô sản xuất, một tên lửa cũ và không có bằng chứng nào cho thấy nó được Nga phóng đi. Rất có khả năng đó là tên lửa do lực lượng phòng không Ukraine bắn", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga, chứ không phải Ukraine, vẫn là bên chịu trách nhiệm cho việc bắt đầu cuộc chiến ngay từ đầu.
Sau sự việc này, các nhà lãnh đạo NATO bày tỏ mong muốn bảo vệ từng tấc đất trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Jim Townsend, người từng làm phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề châu Âu và NATO dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama cho rằng trong bối cảnh Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Ukraine, phương Tây và NATO nên tập trung gửi thêm hệ thống phòng không tới Ba Lan và các quốc gia có chung biên giới với Nga và Ukraine.
“Họ có thể cần thêm một số hệ thống tên lửa phòng không Patriot hoặc thiết bị quân sự tương tự để ngăn chặn những cuộc tấn công tên lửa trong bối cảnh cuộc xung đột hiện tại ngày càng khốc liệt. Nga có thể tiếp tục tấn công bằng tên lửa trong thời gian tới và chúng ta cần phải sẵn sàng ứng phó”, ông Townsend nói.
Phát biểu với các phóng viên tại Brussels, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh, vụ tên lửa rơi ở Ba Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa sườn phía Đông của liên minh và hỗ trợ Ukraine.
Harry Nedelcu, Giám đốc phụ trách Chính sách tại Rasmussen Global thì cho rằng: “Ít nhất là trong khoảng thời gian mùa đông sắp tới, các hệ thống phòng không sẽ giúp ích cho Ukraine vì chúng tôi thấy rằng lực lượng phòng không của nước này có thể ngăn chặn được rất nhiều tên lửa của Nga. Vì vậy, bây giờ cần hỗ trợ thêm hệ thống phòng không cho Ukraine và đảm bảo rằng các tên lửa của Nga không bắn trúng mục tiêu”.
Trong khi đó, khi các quốc gia NATO tiếp tục hỗ trợ Ba Lan điều tra về vụ nã tên lửa vừa qua. Chuyên gia Townsend bày tỏ hy vọng sẽ có một “báo cáo hành động trong tương lai” nêu chi tiết toàn bộ quá trình điều tra và kế hoạch phía trước.
“Ngay từ đầu, các quốc gia NATO đã thận trọng trong từng bước đi khi thu thập bằng chứng về vụ việc. NATO đã làm rất tốt trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này và nhiều bài học đã được rút ra. Cần có một nghiên cứu xem xét những gì NATO đã làm đúng và những việc cần làm để ngăn chặn những sự cố tương tự trong tương lai”, ông Townsend nói./.