Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev nhấn mạnh, Nga sẽ làm mọi cách để ngăn chặn sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân ở các nước láng giềng thù địch, chẳng hạn như ở Ukraine, nơi mà theo ông hiện do các nước NATO trực tiếp kiểm soát. Nếu mối đe dọa Nga vượt quá giới hạn nguy hiểm đã thiết lập, nước này sẽ phải đáp trả. 

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev lưu ý rằng: "Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết trong những trường hợp định trước và theo đúng Nguyên tắc cơ bản của Chính sách Nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân".

Theo đó, nếu Nga hoặc các đồng minh của nước này bị tấn công bằng các vũ khí trên, hoặc nếu một cuộc xâm lược sử dụng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn tại của Liên bang Nga thì đây là cơ sở đáp trả hạt nhân.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu về tình hình ở Donbass và tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông tuyên bố, phương Tây đã vượt qua mọi ranh giới trong chính sách chống Nga tích cực của mình. Theo ông, đại diện cấp cao của các nước NATO đang tuyên bố về khả năng và cho phép sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Nga.

Trong diễn biến liên quan, hôm qua (26/9), tại cuộc họp về Ngày Quốc tế Xóa bỏ Hoàn toàn Vũ khí Hạt nhân, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã tuyên bố, kỷ nguyên "tống tiền hạt nhân" phải kết thúc. Ông kêu gọi tất cả các nước tận dụng mọi cơ hội để đối thoại, ngoại giao và đàm phán nhằm giảm căng thẳng và loại bỏ mối đe dọa hạt nhân, đồng thời nêu rõ sự cần thiết của một tầm nhìn mới về giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc để tạo ra đồng thuận mới về cách có thể cùng nhau vô hiệu hóa những mối đe dọa này và đạt được mục tiêu chung là hòa bình. Ông nhấn mạnh, nếu không loại bỏ vũ khí hạt nhân thì không thể có hòa bình và không thể có tương lai bền vững./.