Nỗi lòng người dân Trung Đông

“Năm 2024, nhiều người đang tiến về phía trước, nhưng chúng tôi vẫn chạy theo đĩa thức ăn và bánh mì cho con cái của mình có thể sống sót. Chúng ta chỉ muốn sống và được trở về nhà của mình. Chúng tôi hàng ngày vẫn hy vọng có một lệnh ngừng bắn, nhưng chưa có. Mỗi ngày trôi qua còn tệ hơn ngày hôm trước. Thay vì giúp đỡ Israel bằng tên lửa và bom đạn, Mỹ nên đến xem người dân ở Gaza đang phải vật lộn để có được bữa ăn, Mỹ nên giúp đỡ chúng tôi.”

Đó là mong mỏi của người dân Gaza khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở lại khu vực Trung Đông lần thứ 5 kể từ khu xung đột bắt đầu ngày 7/10 năm ngoái. Trên thực tế, nhân đạo cho Gaza và đề xuất ngừng bắn cũng là trọng tâm nghị sự chính của Ngoại trưởng Mỹ, trong bối cảnh Israel có thể “sắp mở các cuộc tấn công quy mô lớn” nhằm vào những khu vực có đông dân cư và người di cư ở phía Nam dải Gaza.

Hôm qua, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã có cuộc gặp kéo dài 2 tiếng đồng hồ với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Sau Saudi, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Ai Cập, Qatar, Israel và Bờ Tây để tiếp tục thúc đẩy trọng tâm nghị sự của chuyến công du.

Giống với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cũng đang có chuyến công du tới Trung Đông, với lịch trình điểm đến gồm Ai Cập, Jordan, Israel và Lebanon. Tại Jerusalem, Ngoại trưởng Pháp khẳng định: “Thảm kịch đang diễn ra ở Gaza phải chấm dứt. Chúng tôi yêu cầu tất cả các bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài, cũng như đưa một lượng lớn viện trợ nhân đạo tới Gaza. Cần phải chấm dứt sự đau khổ của dân thường cũng như của các con tin vẫn còn bị Hamas giam giữ. Chúng ta phải làm việc ngay lập tức vì những điều này.”

Theo Ngoại trưởng Pháp, tương lai của dải Gaza không thể tách rời khỏi Bờ Tây và thế giới cần hỗ trợ chính quyền Palestine kiểm soát dải đất của họ sau khi xung đột kết thúc.

Giới phân tích nhận định, xung đột tại Trung Đông đang leo thang ở nhiều mặt trận, từ bên trong Gaza, cho tới biên giới Israel – Lebanon hay biển Đỏ. Mục đích của các chuyến công du của Ngoại trưởng Pháp và Mỹ tới Trung Đông đều đang tập trung vào “kiểm soát xung đột lan rộng”. Với riêng Mỹ, nó còn là lời khẳng định không muốn xung đột trực tiếp với Iran, sau đợt tấn công quy mô lớn của Mỹ tại Iraq và Syria nhằm vào các lợi ích của Iran và các nhóm dân quân “thân” quốc gia Hồi giáo này gần đây.

Chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm Nga hôm qua yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn, lên án hành động không kích của Mỹ tại Iraq và Syria. Tại cuộc họp, Đại sứ của Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết: “Washington, được hưởng quyền miễn trừ của mình, tiếp tục gieo rắc hỗn loạn và tàn phá ở Trung Đông. Hành động quân sự tại Iraq và Syria là không có lý do biện minh chính đáng. Chúng tôi thấy từ “hành động phô trương sức mạnh của Mỹ” là ý đồ muốn điều chỉnh hình ảnh hiện nay trên trường quốc tế của chính quyền Tổng thống Biden khi mà chiến dịch tranh cử Tổng thống đang nóng lên. Tuy nhiên hành động này có thể dẫn đến những căng thẳng leo thang hơn nữa, cũng với những tính mạng dân thường bị đe dọa”.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ đang “đổ dầu vào chảo lửa Trung Đông” đang âm ỉ cháy; trong khi đại diện của Iran tại Liên Hợp Quốc cũng gọi hành động của Mỹ tại Iraq và Syria là “bất hợp pháp và phi lý”.