Theo Bộ trưởng Các Lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu, ngay cả khi Pháp và Armenia không thuộc cùng môt liên minh quân sự và chính trị, hai nước vẫn duy trì mối quan hệ quốc phòng dựa trên nguyên tắc đảm bảo Armenia có khả năng tự bảo vệ đất nước và người dân của mình.

Tháng trước, Pháp đã cử một tuỳ viên quân sự tới Đại sứ quán Pháp ở Armenia và có kế hoạch gửi thêm một cố vấn quân sự tới hỗ trợ nước này trong các vấn đề như huấn luyện lực lượng vũ trang. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đánh giá cao sự hỗ trợ của Pháp. Trong khi đó, Azerbaijan chỉ trích Pháp đang gây căng thẳng. Nước này hôm qua cũng bắt đầu các cuộc tập trận chung với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ tại Nagorno - Karabakh và khu vực gần biên giới Iran.

Thông báo của Pháp về hợp đồng vũ khí với Armenia đưa ra chỉ 1 tháng sau khi Azerbaijan tuyên bố chiến thắng sau chiến dịch quân sự chớp nhoáng ở Nagorno - Karabakh, dẫn tới cuộc di cư ồ ạt của hơn 100.000 người sắc tộc Armenia ở khu vực ly khai này. .

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo, đây không phải là dấu chấm hết cho những căng thẳng kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan và thậm chí có thể dẫn tới một cuộc xung đột rộng hơn ở Nam Kavkaz. Đây là một khu vực đông sắc tộc và nhiều đường ống dầu khí mà Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều tranh giành ảnh hưởng. Trong khi đó, Pháp - quốc gia có đông người Armenia hải ngoại lớn nhất châu Âu đã tuyên bố sẽ không đứng ngoài cuộc

Phương Tây đã gia tăng sự ủng hộ chính trị cho Armenia trong bối cảnh mối quan hệ giữa nước này và Nga ngày một trở nên xa cách. Mặc dù là thành viên của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể do Nga đứng đầu, song Armenia hồi đầu tháng này đã hạ cấp quan hệ đồng minh với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo những bước đi của Armenia là nguy hiểm, đồng thời cho biết sẵn sàng tổ chức đàm phán tại Moscow nếu cần và theo mọi định dạng nhằm thúc đẩy một thoả thuận hoà bình:

“Một thoả thuận hoà bình là hoàn toàn có thể. Tôi không thấy bất kỳ vấn đề nào có thể ngăn cản việc ký kết một hiệp ước hoà bình sau các sự kiện tại Nagorno - Karabakh. Có những vấn đề liên quan đến biên giới như phân giới, nhưng đều thuần tuý về mặt kỹ thuật và tôi tin rằng, với thiện chí của cả hai bên, tất cả đều có thể được giải quyết”.

Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Nga hôm qua (23/10) đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc thảo luận giữa Armenia và Azerbaijan với sự tham gia của các ngoại trưởng cả 2 nước. Những cuộc họp dựa trên sáng kiến 3+3 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2021 và ban đầu dự kiến ​​sẽ bao gồm cả Gruzia. Tuy nhiên, Gruzia trước đó đã tuyên bố không có kế hoạch tham gia sáng kiến ​​này.

Theo Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, định dạng 3+3 được thiết kế để ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài có thể thổi bùng hơn nữa ngọn lửa căng thẳng.