Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Truyền hình CBS, ông Jeffries cho biết: “Chúng tôi không thể để Ukraine thất bại bởi nếu điều ấy xảy ra, thì Mỹ có thể sẽ phải tham gia vào cuộc xung đột – không chỉ đơn giản là vấn đề về tiền, mà còn với các quân nhân của chúng tôi”.

Chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố nước này không có ý định đưa quân tới Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/2 cho biết, khả năng triển khai các lực lượng phương Tây ở Ukraine đã được nêu ra tại một cuộc họp ở Paris với sự tham gia của đại diện khoảng 20 quốc gia phương Tây. Theo ông Macron, những người tham dự đã không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này nhưng một kịch bản như vậy không thể loại trừ trong tương lai. Sau hội nghị, đại diện của hầu hết các quốc gia tham dự cuộc họp cho biết họ không có kế hoạch gửi quân đến Ukraine. 

Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga (SVR) Sergey Naryshkin vào ngày 19/3, Pháp đã chuẩn bị một đội quân để gửi đến Ukraine với số lượng ban đầu là khoảng 2.000 người.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà xem Nga như đối thủ và sẽ cố gắng đánh bại nước này dù cho kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ra sao.

“Sẽ sớm có cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Không có sự chia rẽ giữa đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ về vấn đề Nga và Trung Quốc. Một bên có thể “cứng rắn”, bên kia thậm chí còn “cứng rắn hơn”, nhưng về nguyên tắc, chúng tôi không thấy có bất cứ sự khác biệt nào”, Ngoại trưởng Lavrov nói. Theo ông, mục tiêu của Mỹ là khiến Nga phải đối mặt với “sự thất bại chiến lược”.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 5/11 tới. Cả cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đều đã giành được số phiếu đại cử tri cần thiết để lần lượt được đề cử làm ứng viên của đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ.