Tại cuộc họp Hội đồng bảo an, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya đưa ra các bức ảnh cho thấy hậu quả của các vụ pháo kích mà ông cáo buộc là do Ukraine thực hiện gần nhà máy Zaporizhzhia làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân. Ông Nebenzya cho biết, kể từ khi Hội đồng Bảo an thảo luận vấn đề này lần cuối cách đây gần hai tuần, tình hình an toàn hạt nhân ngày càng xấu đi.

“Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng từ những bức ảnh như vậy. Chúng tôi công bố những bức ảnh này như một tài liệu chính thức tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc. Không một phái đoàn phương Tây nào có cam đảm lên án và  yêu cầu phải ngăn chặn những đợt pháo kích của lực lượng vũ trang Ukraine vào khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong khi chỉ trích Nga tự pháo kích vào nhà máy đang được chính chúng tôi bảo vệ”, ông Nebenzya nói.

Đại sứ Nga khẳng định, Moscow sẵn sàng để các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến Zaporizhzhia "trong tương lai gần" để họ có thể biết "thực tế chính xác".

Đáp lại, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya cáo buộc Nga mới là tác nhân gây mất an toàn hạt nhân và kêu gọi bất kỳ nỗ lực thanh sát nào cần đảm bảo không bị biến thành "sân khấu để Nga biểu diễn".

“Ngay khi Nga rút quân khỏi cơ sở hạt nhân mà đơn giản họ không có quyền tiếp cận, nguy cơ về một thảm họa hạt nhân sẽ biến mất, trong đó có cả nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và 3 nhà máy điện hạt nhân khác của Ukraine”, ông Kyslytsya nhấn mạnh.

Một số thành viên của Hội đồng Bảo an đã chọn cách tiếp cận trung dung, yêu cầu cả Nga và Ukraine cùng kiềm chế giao tranh gần nhà máy. Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Rosemary DiCarlo kêu gọi cả Nga và Ukraine cùng thống nhất phi quân sự hóa và tạo điều kiện cho các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến nhà máy an toàn.

“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các bên cho phép phái bộ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) quyền tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngay lập tức, an toàn và không bị kiểm soát. Đây là điều cần thiết để tái lập nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là cơ sở hạ tầng dân sự và đảm bảo an toàn cho khu vực. Chúng tôi muốn nói rõ rằng, bất kỳ thiệt hại nào đối với nhà máy hoặc bất kỳ cơ sở hạt nhân nào khác ở Ukraine đều có thể dẫn đến một sự cố hạt nhân, gây ra hậu quả thảm khốc không chỉ đối với vùng lân cận mà còn đối với toàn bộ châu Âu”, ông DiCarlo nói.

Cuộc họp này được tổ chức theo yêu cầu của Nga để thảo luận về những nguy cơ do pháo kích gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong mấy tuần qua. Nhà máy này nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ tháng 3 vừa qua. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau đã thực hiện các vụ pháo kích làm dấy lên lo ngại về sự cố rò rỉ hạt nhân tương tự vụ Chernobyl năm 1986.

Dự kiến, ngày 25/8, Hội đồng Duma Quốc gia Nga sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng như mối đe dọa đối với sự an toàn của cơ sở này./.