Theo ông Milley, nhân viên của ông đã cố gắng kết nối liên lạc với tướng Valery Gerasimov của Nga để thảo luận về vụ tên lửa rơi ở Ba Lan, nhưng “không thành công”.

Ông Milley không nêu chi tiết về việc liên lạc với phía Nga, nhưng nỗ lực bất thành làm dấy lên lo ngại về đối thoại cấp cao giữa Mỹ và Nga trong một cuộc khủng hoảng.

Một cuộc tấn công vào Ba Lan – một thành viên NATO, làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột rộng hơn nếu quả tên lửa rơi ở Ba Lan được kết luận là phóng từ Nga.

Mỹ, NATO và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác hiện tin rằng vụ tên lửa rơi ở Ba Lan hôm 15/11 có thể do lực lượng phòng không Ukraine thực hiện để chống lại cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Tuy nhiên, trước đó, nhiều nguồn tin cáo buộc tên lửa đó là của Nga.

Một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết không có gì lạ khi ông Gerasimov không nhận cuộc gọi đó.

Ông John Tierney, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí có trụ sở ở Washington, cho biết việc thiếu thông tin liên lạc là điều đáng lo ngại, đặc biệt là do những tác động tiềm ẩn của cuộc xung đột hiện nay. Theo ông, việc để mở các đường dây liên lạc là cần thiết nếu muốn tránh nguy cơ xung đột do hiểu nhầm, tính toán sai lầm hoặc nhầm lẫn.

Tướng Milley đã trao đổi với người đồng cấp Ukraine và Ba Lan khi Kiev và Warsaw đang làm việc nhanh chóng để đánh giá xem tên lửa đó do bên nào phóng.

Ngày 16/11, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, vụ nổ tên lửa khiến 2 người thiệt mạng gần biên giới nước này với Ukraine là một “tai nạn đáng tiếc” chứ không phải một vụ tấn công có chủ ý.

Thông tin mà Ba Lan và các đồng minh có được, vụ nổ do một tên lửa S-300 do Liên Xô sản xuất, nhưng đây là một tên lửa cũ và không có bằng chứng nào cho thấy nó được Nga phóng và có khả năng cao là tên lửa này được lực lượng phòng không Ukraine bắn. Tuy nhiên, ông Duda khẳng định trách nhiệm cuối cùng thuộc về Nga, quốc gia đã tiến hành một loạt cuộc tấn công tên lửa vào Ukraine trong ngày 15/11./.