“Nhiệm vụ trước mắt và cấp bách nhất là Ukraine cần đảm bảo nền dân chủ độc lập, có chủ quyền ở châu Âu. Để làm được như vậy, chúng ta cần huy động nhiều nhất có thể về hỗ trợ quân sự, kinh tế, tài chính và nhân đạo cho Ukraine”, ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp mới nhất của các ngoại trưởng NATO ở Bucharest.

“Nếu Ukraine không đảm bảo là một quốc gia độc lập có chủ quyền, thì tất nhiên vấn đề tư cách thành viên sẽ hoàn toàn không được bàn đến”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao NATO diễn ra tại thủ đô của Romania từ ngày 29-30/11, tập trung thảo luận về những thách thức dài hạn do Trung Quốc đặt ra cũng như về cuộc xung đột ở Ukraine.

Trước đó, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết sau cuộc họp đầu tiên hôm 29/11, ngoại trưởng các nước NATO đã thống nhất rằng “cánh cửa gia nhập NATO” vẫn mở với Ukraine nhưng hiện “chưa phải lúc” để nước này gia nhập.

Theo Bloomberg, một vài quốc gia thành viên NATO đang xem xét kỹ lưỡng bởi nếu Ukraine gia nhập vào thời điểm hiện tại thì cả khối có thể bị kéo vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Do thiếu sự đồng thuận về vấn đề này, các nước NATO đã nhất trí sẽ tiếp tục ưu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine để đảm bảo Kiev đạt lợi thế trên chiến trường.

Sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã ký thông qua một đơn gia nhập rút gọn để nước này có thể trở thành thành viên NATO trong thời gian ngắn nhất.

Để có thể trở thành thành viên NATO chính thức, Ukraine cần phải có sự ủng hộ của toàn bộ các quốc gia thành viên. Vào tháng 10, lãnh đạo của 9 quốc gia NATO gồm Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Litva, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia, đã bày tỏ sự ủng hộ với việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự này./.