Vào ngày 6/12/1998, mô-đun Zayra của Nga và Unity của Mỹ được lắp ráp trong không gian, hình thành Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Sự kiện này cũng mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực thám hiểm không gian.

Quá trình xây dựng và mở rộng Trạm vũ trụ quốc tế diễn ra từ năm 1998 đến năm 2010. Đến nay, 5 cơ quan không gian từ 15 quốc gia tham gia lắp ráp và vận hành trạm. Đây đã trở thành nơi sinh sống của các nhà nghiên cứu trong hơn 23 năm qua.

Chỉ huy sứ mệnh Trạm vũ trụ quốc tế Andreas Mogensen cho biết: “Điều tôi thấy thực sự hấp dẫn là phạm vi rộng của các thí nghiệm được thực hiện tại Trạm vũ trụ quốc tế. Ở đây, chúng tôi có mọi thứ từ phòng thí nghiệm nguyên tử lạnh nơi chúng tôi đang nghiên cứu ngưng tụ Bose-Einstein. Chúng tôi có máy quang phổ từ tính Alpha ở bên ngoài trạm. Chúng tôi có cơ sở chế tạo sinh học bên trong.”

Các nghiên cứu trên Trạm vũ trụ quốc tế đã đóng góp đáng kể vào kiến thức của nhân loại. Nghiên cứu tế bào và các quá trình sinh học hoạt động trong môi trường không trọng lực đã thúc đẩy nghiên cứu bệnh Alzheimer, Parkinson, bệnh tim và hen suyễn.

Các thí nghiệm tăng trưởng tinh thể protein đã tạo ra những tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư, bệnh nướu răng và chứng loạn dưỡng cơ Duchenne. Những khám phá về “ngọn lửa mát”, có thể cháy ở nhiệt độ cực thấp, hứa hẹn tạo bước đột phá để động cơ đốt trong chạy hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn.

Năm 2018, phòng thí nghiệm nguyên tử lạnh của Trạm vũ trụ quốc tế lần đầu tiên sản xuất chất ngưng tụ Bose-Einstein. Nhiệt độ lạnh hơn và thiếu trọng lực trong không gian kéo dài thời gian quan sát lâu hơn, qua đó thúc đẩy nghiên cứu vật lý lượng tử và hỗ trợ phát triển các công nghệ lượng tử tiên tiến. Các hệ thống lọc nước được thiết kế để duy trì hoạt động của các phi hành gia trên trạm vũ trụ đang được ứng dụng trong nông nghiệp, cứu trợ thiên tai và cung cấp viện trợ cho các khu vực kém phát triển hơn tên Trái đất.

Nhìn lại 25 năm lịch sử của Trạm vũ trụ quốc tế, ông Bob Cabana, người tham gia sứ mệnh lắp ráp hai mô-đun đầu tiên, cho biết: “Trong 25 năm qua, 3.000 thí nghiệm của 108 quốc gia trên thế giới đã được thực hiện tại Trạm vũ trụ quốc tế. Đó là các nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu nhằm cải thiện cuộc sống trên Trái đất và chuẩn bị cho con người khám phá bên ngoài Trái Đất, như việc trở lại mặt trăng và lên sao Hỏa”.

Trạm vũ trụ quốc tế là công trình đắt nhất mà con người từng chế tạo trong khoảng thời gian ngắn. Dự kiến Trạm vũ trụ quốc tế sẽ ngừng hoạt động vào tháng 1/2031.