Politico dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cho biết, Mỹ sẽ triển khai bom hạt nhân B61-12 đã được nâng cấp đến các căn cứ NATO tại châu Âu trong tháng 12 tới, sớm hơn với kế hoạch ban đầu là vào mùa xuân 2023.

Theo lý giải của quan chức Mỹ, động thái này là nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu. Quyết định này cũng đã được các quan chức quân sự Mỹ thông báo với những quốc gia đồng minh trong khối NATO tại cuộc họp kín ở Brussel, Bỉ đầu tháng 10.

Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder nhấn mạnh: “Việc hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân B61 của Mỹ đã được tiến hành trong nhiều năm qua, và các phương án để đổi những loại vũ khí cũ một cách an toàn và có trách nhiệm bằng phiên bản bom B61-12 được cải tiến là một phần của nỗ lực hiện đại hóa đã được lên kế hoạch trong dài hạn. Việc này không liên quan tới những sự kiện đang xảy ra ở Ukraine”.

B61 là một dòng bom hạt nhân được phát triển từ những năm 1960. Phiên bản nâng cấp được trang bị bộ phụ kiện gắn ở đuôi bom giúp nó tấn công chính xác hơn.

Nga ngay lập tức đã có phản ứng gay gắt về động thái của Mỹ. Phát biểu trước báo giới ngày 29/10, thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã nói rằng, việc Mỹ tăng tốc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật B61 tại các căn cứ của NATO ở châu Âu đồng nghĩa với việc phía Mỹ đã biến những vũ khí này thành vũ khí chiến trường, từ đó giảm ngưỡng hạt nhân. Điều này buộc  Nga phải tính đến động thái này trong kế hoạch quân sự của mình.

Trước đó, giới chức Nga từng nhiều lần  cảnh báo Nga có thể sử dụng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ     

Những tuyên bố của cả Mỹ và Nga đưa ra trong bối cảnh NATO vừa triển khai cuộc tập trận hạt nhân thương niên “Steadfast Noon”.  Trong khi đó Nga ngày 26/10 cũng tiến hành một cuộc tập trận được cho là  nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga.

Trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Ukraine chưa giảm nhiệt và quan hệ ngoại giao giữa Nga và phương Tây vẫn leo thang, những diễn biến trên khiến nhiều nhà quan sát kỳ cựu tỏ ra lo ngại. Theo ông Tom Collina, Giám đốc Chính sách của Tổ chức Giải trừ quân bị Plowshares Fund, động thái triển khai sớm bom hạt nhân đến châu Âu của Mỹ có thể mang đến những hậu quả không mong muốn, vừa làm leo thang căng thẳng, đồng thời đẩy châu Âu vào tình thế nguy hiểm hơn. Điều này cũng đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đặc biệt nhấn mạnh tại Phiên toàn thể của Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai mới đây:

“Sự tan rã của Liên bang Xô viết đã phá hủy sự cân bằng của các quyền lực địa chính trị.  Phương tây luôn xem mình là người chiến thắng và tuyên bố một trật tự thế giới đơn cực mà ở đó, chỉ có mong muốn, văn hóa và lợi ích đơn cực được tồn tại. Thế giới đơn cực đang sắp trở thành dĩ vãng. Chúng ta đang đứng trước thời khắc lịch sử, một thời khắc nguy hiểm nhất, khó đoán nhất và  cũng quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Phương Tây không thể đơn phương thống trị nhân loại. Đa phần các quốc gia sẽ không chấp nhận điều này”, Tổng thống Putin nhấn mạnh./.