Những vụ “lừa đảo ông bà” như thế này đã gây giật mình cho nhiều người vốn nghĩ rằng chỉ cần những chiếc camera hay hệ thống báo động tiên tiến là có thể bảo vệ gia đình mình. Tuy nhiên, thống kê về các vụ lừa đảo trên thế giới cho thấy, hiện nay bạn có khả năng cao trở thành nạn nhân của các hành vi trộm cắp từ xa hơn là đột nhập vào nhà.

2,2 triệu đôla là số tiền mà băng nhóm tội phạm nói trên đã lừa được kể từ tháng 2/2022. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm nay, 126 người trên khắp Canada đã trở thành nạn nhân của chúng, với số tiền ước tính gần 800.000 đôla. 15 trường hợp trong số này thậm chí còn bị mất tiền nhiều lần, với tổng giá trị lên tới 243.000 đôla. Hầu hết nạn nhân ở độ tuổi từ 46 đến 95. Chiêu trò chủ yếu của các đối tượng là giả danh nhân viên thực thi pháp luật liên lạc qua điện thoại cố định, nói với nạn nhân rằng cháu của họ đang bị cảnh sát giam giữ hay thậm chí đóng cả vai những đứa cháu tội nghiệp cần được cứu giúp.

“Lừa đảo ông bà” không phải là chiêu trò mới, nhưng ngày càng tinh vi hơn cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo AI.

Bà Susan Monahan, 81 tuổi, sống tại Mỹ, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể bị lừa mất hàng nghìn đôla, cho đến năm ngoái: “Bà ơi, cháu cần bà giúp”. Đầu dây bên kia là giọng một cậu thanh niên đang rất hoảng hốt và sợ hãi, nói với tôi rằng: Cháu đang lái xe và đột nhiên có một người phụ nữ bất ngờ dừng lại trước mũi xe cháu. Cô ấy đã mang thai và cháu đã đâm vào cô ấy. Họ sẽ bắt cháu vào tù. Bà ơi, bà đừng gọi cho bố mẹ cháu, vì cháu không muốn họ biết. Và tôi đã không mảy may nghi ngờ.”

Thế nhưng đó chỉ là một vụ tai nạn giả tạo và giọng nói của đứa cháu trai là một "tác phẩm sao chép" của trí tuệ nhân tạo (AI). Nạn nhân dần dần bị đưa vào “tròng” và cái kết là 9.000 USD tiền tiết kiện bị mất trắng chỉ sau 1 cú điện thoại.

Theo bà Rachel Tobac, Giám đốc điều hành một công ty chuyên về bảo vệ dữ liệu người dùng tại Mỹ Social Proof Security, mối nguy lớn nhất mà AI tạo ra là khả năng phá bỏ ranh giới giữa thực tế và hư cấu, gián tiếp trao cho tội phạm mạng một công nghệ với chi phí thấp nhưng rất hiệu quả để truyền bá thông tin sai lệch: “Bất kỳ ai cũng có thể bị lừa gạt. Chúng không cần biết quá rõ về nạn nhân, mà chỉ biết người này có mối quan hệ với người kia. Và chúng có thể mạo danh người đó chỉ bằng cách thay đổi cao độ và cách điều chỉnh giọng nói, đủ để các nạn nhân tin rằng đó thực sự là cháu mình và mình cần phải chuyển số tiền đó.”

Trong một cuộc khảo sát do công ty McAfee Labs (Mỹ) tiến hành hồi tháng trước với 7.000 người từ 9 quốc gia, trong đó bao gồm cả Mỹ, có tới 25% số người được hỏi cho biết họ từng trực tiếp là nạn nhân hoặc từng được nghe về các trường hợp bị lừa đảo thông qua nhân bản giọng nói AI. Trong khi đó, 70% số người được hỏi thừa nhận họ không tự tin rằng mình có thể phân biệt được giọng nói của người thật và giọng nói AI.

Theo McAfee Labs, thủ đoạn này thuyết phục đến mức khiến các nạn nhân tin rằng họ cần khẩn trương gom tiền và thậm chí còn cân nhắc việc thế chấp căn nhà của mình để dàn xếp sự cố của những đứa cháu hờ.