Các diễn biến chính trị trong nội bộ hai nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ukraine có thể làm sụt giảm mạnh dòng viện trợ vũ khí cho Ukraine ngay lúc họ đang chuẩn bị phản công lớn ở Kherson.

Tại Anh, tân Thủ tướng Rishi Sunak đã cam kết sẽ cầm cương tình trạng chi tiêu công. Ông Sunak có kinh nghiệm về kinh tế nhiều hơn là về địa chiến lược.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden có nguy cơ đánh mất kiểm soát đối với Quốc hội hoặc ít nhất là Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 tới khi phe Cộng hòa đối lập đe dọa cắt giảm các chuyến vận chuyển vũ khí của Mỹ sang Ukraine.

Cả hai diễn biến này đều có tác động nghiêm trọng lên năng lực quốc phòng của Kiev. Mỹ và Anh lần lượt là nhà cung cấp số 1 và số 2 cho Ukraine, đồng thời là nhà cung cấp viện trợ nhân đạo số 1 và số 3 cho Ukraine.

Các dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel khi theo dõi xuất khẩu vũ khí của nhiều nước sang Ukraine cho thấy từ ngày 24/2 đến 3/10/2022, Mỹ cam kết viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, trị giá tới 27 tỷ euro; Anh theo sau với mức 3,74 tỷ euro. Liên minh châu Âu (EU) cam kết viện trợ 2,5 tỷ euro vũ khí, còn Ba Lan hứa hẹn cung cấp 1,82 tỷ euro vũ khí.

Về viện trợ nhân đạo và tài chính cho Kiev, Viện Kiel thấy rằng Mỹ đứng đầu (với 24,7 tỷ euro), EU đứng thứ 2 (với 13,7 tỷ) và Anh đứng thứ 3 (với 5 tỷ).

Tổng thể, theo thống kê của Kiel, Washington và London đã cam kết 0,2% GDP tương ứng để giúp đỡ Kiev.

Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cần tìm ra tối thiểu 46 tỷ USD để lấp vào khoảng trống tài chính công của Anh.

Còn tại Mỹ, Tổng thống Biden cũng gặp áp lực lớn tương tự, khi các nghị sĩ tập hợp lại và phản đối sự ủng hộ cho Kiev thông qua các tấm “séc trống” (các tấm séc đã được ký nhưng chưa ghi số tiền cụ thể).

Tờ Washington Post ngày 25/10 nói rằng, chính sách Ukraine của ông Biden chịu sức ép từ lưỡng đảng, nhất là từ phe Cộng hòa.

Lãnh đạo Hạ viện thuộc phe Cộng hòa, Kevin McCarthy, tuần trước nói rằng người ta sẽ không viết một tấm séc trống cho Ukraine.

Los Angeles Times cho rằng nhận xét của nghị sĩ McCarthy chỉ ra rằng sự hoài nghi về ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine đang lan từ một bộ phận của đảng Cộng hòa ra toàn đảng này.

Các diễn biến mới này trùng hợp với nhiều thông tin về tình trạng các kho đạn của Mỹ bị thiếu hàng trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ.

Ba Lan - một nước thành viên NATO, ủng hộ sốt sắng cho Ukraine và chống đối Nga kịch liệt, đang phải mua lượng lớn đạn dược từ một đối tác xa xôi của NATO, đó là Hàn Quốc.

Theo các thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ cung cấp cho Ba Lan hàng trăm xe tăng và pháo tự hành, cũng như nhiều máy bay tiêm kích. Theo một thỏa thuận mới đây, Hàn Quốc sẽ cung cấp cho Ukraine 288 bệ phóng pháo phản lực phóng loạt./.