Cách đây một năm, ngày 26/9/2022, ba trong số bốn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy từ Nga đến Đức dọc theo đáy biển Baltic để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Tây Âu bị tấn công.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhân kỷ niệm một năm vụ đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” bị tấn công (26/9), Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia bày tỏ lo ngại về việc kết quả điều tra sau một năm vẫn “dậm chân tại chỗ”, đồng thời cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ đứng đằng sau vụ việc:

“Đúng một năm đã trôi qua kể từ hành động phá hoại ở Biển Baltic. Trong 12 tháng qua, chúng tôi đã nghe rất nhiều về cách thức các cuộc điều tra quốc gia do Đức, Đan Mạch và Thụy Điển thực hiện, cũng như việc sắp tìm ra thủ phạm của vụ việc, tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ kết quả nào cho đến nay mặc dù đã có bảy cuộc họp của Hội đồng Bảo an về chủ đề này. Đồng thời, ngày càng có nhiều bằng chứng trong cộng đồng chuyên gia cho thấy vụ nổ Dòng chảy phương Bắc là do Mỹ đứng đằng sau”.

Chỉ trích của Đại sứ Nga ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ, Điều phối viên chính trị Mỹ John Kelley khẳng định, trong bối cảnh thế giới còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm thì Nga lại yêu cầu Hội đồng Bảo an mở cuộc họp về vấn đề này để nhằm đạt được các mục đích riêng:

“Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ tìm kiếm một cuộc điều tra khách quan bất chấp rằng họ đang đổ lỗi cho một số quốc gia. Không có gì ngạc nhiên khi Nga thúc đẩy có chọn lọc các câu chuyện trong hội đồng này phù hợp với các kết luận đã định trước trong khi bác bỏ các quan điểm khác”.

Trên thực tế, các tranh cãi giữa Nga, Mỹ và các nước phương Tây về thủ phạm đứng đằng sau vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc đã bùng phát ngay sau vụ việc. Cả Nga và phương Tây đều nghi ngờ đây là hành động phá hoại có chủ đích. Về phía Nga, nước này cáo buộc Mỹ và Anh đã “dàn dựng” các vụ nổ khiến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc bị phá huỷ, đồng thời cho rằng 2 nước trên “rõ ràng được hưởng lợi” từ hành vi đó. Nga từng đề xuất thành lập một cuộc điều tra chung với Thụy Điển và Đan Mạch về các vụ phá hoại song cả Thụy Điển và Đan Mạch đều bác bỏ ý tưởng về sự tham gia của Nga. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây suy luận rằng trong số các nghi phạm, Nga có khả năng thực hiện nhất nhằm cho thấy sự mong manh của nguồn cung năng lượng châu Âu.

Theo các chuyên gia, đường ống Dòng chảy phương Bắc là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất mà Nga có thể sử dụng để thu hút sự nhượng bộ từ một số nước phương Tây và việc phá hoại nó sẽ khiến Moscow đánh mất đòn bẩy này. Mặc dù vậy, để xác định ai đứng đằng sau vụ phá hoại và tại sao, thì cần một cuộc điều tra kỹ lưỡng và phi chính trị, cũng như được tiến hành từ góc độ quốc tế chứ không riêng lẻ của một vài quốc gia. Nếu không tranh cãi giữa các bên sẽ không ngừng và sự thật đằng sau vụ nổ sẽ khó được làm sáng tỏ.