Bất chấp những cảnh báo về hậu quả từ quốc tế, Mỹ không đồng ý hỗ trợ, Ai Cập phản đối mạnh mẽ, hôm qua, giới chức Israel vẫn tuyên bố, quân đội nước này đã sẵn sàng sơ tán dân thường Palestine ra khỏi khu vực Rafah và chuẩn bị tấn công các tiểu đoàn cuối cùng của Hamas ở khu vực này. Người phát ngôn chính phủ Israel David Mencer cho biết:

“Thực tế là nội các chiến tranh đang họp để thảo luận về cách tiêu diệt những tàn tích cuối cùng, một phần tư còn lại của các tiểu đoàn Hamas ở Rafah và những nơi khác ở Gaza. Hamas đã từ bỏ mọi thỏa thuận tiềm năng mặc dù Israel đã nỗ lực hết sức để đưa các con tin trở về, chính Hamas đã bỏ đi.”

Dù vậy, hôm nay, tại Cairo, phái đoàn Israel vẫn tham gia đàm phán với nhà trung gian hòa giải Ai Cập. Theo các nguồn tin từ nước chủ nhà, Israel đã thể hiện thiện chí hơn về điều kiện để người dân di tán trở về miền Bắc Gaza, với điều kiện phải trải qua các thủ tục kiểm tra an ninh.

Dự kiến, các nhà hòa giải Ai Cập cũng sẽ gặp phía Hamas ngay sau cuộc gặp với Israel để thúc đẩy lệnh ngừng bắn và thỏa thuận trao đổi con tin.

Để tạo áp lực lên Hamas, hôm qua, Mỹ và 17 quốc gia khác có công dân là con tin đã phải ra tuyên bố kêu gọi Hamas thả tất cả con tin như một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza.  Tuyên bố nhấn mạnh, việc thả con tin sẽ đem lại lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza, cũng như tạo điều kiện hơn nữa cho các lệnh ngừng bắn nhân đạo.

Dù Hamas tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước áp lực quốc tế trong các cuộc đàm phán, song hôm qua, một quan chức cấp cao của tổ chức này - ông Khalil al-Hayya lần đầu để ngỏ khả năng “giải giáp vũ khí”. Vị quan chức này nhấn mạnh, nhóm này sẵn sàng chấp nhận ngừng bắn từ 5 năm trở lên và sẽ hạ vũ khí để chuyển đổi thành một đảng chính trị nếu một nhà nước Palestine độc lập được thành lập theo đường biên giới trước năm 1967.

Cụ thể, Hamas muốn gia nhập Tổ chức Giải phóng Palestine, do Phong trào giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) đứng đầu, để thành lập một chính phủ thống nhất cho Gaza và Bờ Tây. Hamas sẽ chấp nhận “một nhà nước Palestine có chủ quyền hoàn toàn ở Bờ Tây và Dải Gaza cũng như sự trở lại của những người tị nạn Palestine theo các nghị quyết quốc tế” dọc theo biên giới trước năm 1967. Nhân vật cấp cao Hamas khẳng định, nếu điều đó thành hiện thực thì cánh quân sự của nhóm sẽ giải tán.

Hiện chưa có phản hồi của chính quyền Palestine và phía Israel về tuyên bố của vị quan chức Hamas, song vấn đề đường biên giới sẽ là một rào cản lớn mà Israel khó có thể chấp thuận.