Xung đột Israel-Hamas có dấu hiệu leo thang sau khi Tel Aviv bắt đầu chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ở miền nam Gaza, nơi có 1,2 triệu người đang trú ẩn. Đầu tuần trước, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã ra lệnh sơ tán dân thường ra khỏi khu vực này để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự mới. Hôm 6/5, chính phủ ông Netanyahu chính thức tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tấn công có chủ đích vào các cơ sở của Hamas ở phía đông Rafah.

Người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, không quân Israel đã tấn công hơn 50 mục tiêu trong thành phố. Theo ông Hagari, các cuộc không kích này mới chỉ là bước mở màn cho một “cuộc giao tranh dài hơi” tại Rafah.

Israel sẽ không chấp nhận đề xuất ngừng bắn của Hamas

Chiến dịch quân sự ở Rafah theo đuổi hai mục tiêu chính – giải phóng những con tin Israel đang bị giam giữ từ đợt tấn công vào Gaza hồi tháng 10/2023 và "xóa sổ sự hiện diện của Hamas" tại khu vực này, theo tuyên bố mới đây của ông Netanyahu. Thủ tướng Israel cho biết: “Chiến dịch giải phóng con tin cuối năm ngoái đã chứng minh rằng, chỉ có áp lực quân sự mới là giải pháp tối ưu để chấm dứt chiến sự tại Gaza”, đồng thời nhấn mạnh việc kiểm soát Rafah là “bước tiến quan trọng trong tiến trình làm suy yếu khả năng phòng vệ của Hamas”.

Trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Qatar và Ai Cập hôm 6/5, ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn do hai nước trung gian đưa ra. Đề xuất này sẽ được tiến hành qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 42 ngày, bao gồm việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi dải Gaza và trao đổi các tù nhân chính trị Palestine với những thường dân Israel đang bị giam giữ ở Gaza, nhằm mục đích "ngừng bắn vĩnh viễn".

Phản ứng của Israel đối với đề xuất ngừng bắn của Hamas gần như đã được dự đoán từ trước. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ không chấp nhận “một đề xuất đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và tương lai của đất nước Israel”, cho rằng những nỗ lực hòa giải này đang ngăn cản bước tiến của IDF tại Rafah. Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng xác nhận Israel sẽ không từ bỏ kế hoạch tấn công thành phố này “cho đến khi giành được chiến thắng trước Hamas hoặc quá trình trao trả các con tin được tiến hành”.

Quân đội Israel cho biết đã phát hiện nhiều cơ sở hạ tầng của Hamas ở một số địa điểm ở phía đông Rafah và q đang tiến hành các cuộc tấn công hướng tới các mục tiêu này. Rạng sáng 7/5, xe tăng và lực lượng đặc nhiệm của Israel đã giành quyền kiểm soát khu vực Rafah ở Dải Gaza, sau đợt không kích dữ dội nhằm vào các khu dân cư phía đông thành phố vào hai đêm trước đó. Hiện tại, toàn bộ các cửa khẩu Rafah đã gần như bị phong tỏa, “khóa chặt” chiến trường Gaza trong vòng xoáy tấn công giữa Israel và Hamas.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước cuộc tấn công vào Rafah

Trước khi chiến dịch Rafah bắt đầu, người phát ngôn của Hamas Sami Abu Zuhri tuyên bố trước báo giới, lệnh sơ tán dân thường và kế hoạch tấn công của Israel thể hiện “một sự leo thang xung đột sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

Ai Cập – một trong những quốc gia trung gian hòa giải đã kêu gọi Israel “kiềm chế ở mức cao nhất” và tránh leo thang xung đột vào “thời điểm nhạy cảm” khi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và thả tù nhân đang tiếp diễn, đồng thời lưu ý rằng cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ tạo ra “mối nguy hiểm nhân đạo cho hơn 1 triệu người Palestine trong khu vực”.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia lên tiếng yêu cầu sự can thiệp của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ người Palestine ở Gaza trong bối cảnh chiến dịch ở Rafah đang diễn ra, cho rằng Israel đang “vi phạm luật pháp quốc tế và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực”. Tháng trước, sau khi quân đội Israel rút lui, khu phức hợp bệnh viện Nasser và Al-Shifa ở Gaza “đã được phát hiện chứa hơn 390 thi thể, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em; nhiều người trong số họ được cho là có dấu hiệu bị tra tấn”, khiến Liên Hợp Quốc phải kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về các ngôi mộ tập thể này. Theo cơ quan y tế địa phương, hơn 34.000 người đã thiệt mạng sau 7 tháng giao tranh dữ dội giữa Israel và Hamas.

Các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chiến dịch quân sự của Israel đang diễn ra trên khắp thế giới, đặc biệt tại Mỹ và phương Tây, trong khi nhiều quốc gia cũng đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt Israel. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt thương mại trên toàn EU đối với các sản phẩm được sản xuất tại các khu định cư của Israel. Trước đó, NBC News đưa tin, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể ban hành lệnh bắt giữ ông Netanyahu, ông Gallant và các quan chức quân sự cấp cao liên quan đến vấn đề bạo lực ở Gaza.

Mặc dù phản ứng của cộng đồng quốc tế vẫn đang ở mức độ lên án và chưa có hành động trừng phạt nào được áp đặt lên Israel, nhưng có thể chắc chắn rằng, căng thẳng vẫn đang gia tăng. Chiến dịch tấn công Rafah đang diễn ra trong bối cảnh Israel đang bị cô lập trên trường quốc tế, và các lệnh trừng phạt của phương Tây có lẽ sẽ được hiện thực hóa trong tương lai gần.