Phát biểu trực tuyến tại hội thảo kỷ niệm 40 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển tại Jakarta, bà Retno Masurdi nhấn mạnh, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng trên biển và đại dương, gây thêm nhiều thách thức đối với việc thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). ASEAN luôn hướng tới giải pháp không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp bao gồm ở Biển Đông.

Theo bà Retno, UNCLOS là chìa khóa để đạt được mục tiêu giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Trong bài phát biểu của mình, bà Retno cũng nhấn mạnh, luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng, bao gồm UNCLOS, như những chuẩn mực chính để xác định hành động của các quốc gia ở biên giới trên biển.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia cũng thừa nhận, UNCLOS đang phải đối mặt với những thách thức về căng thẳng địa chính trị, có khả năng làm tăng nguy cơ leo thang thành xung đột mở.

Công ước LHQ về Luật Biển 1982 được ký vào ngày 10/12/1982 và có hiệu lực vào 16 /11/1994. Đến nay đã có 167 nước và Liên minh châu Âu phê chuẩn. Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 trong 40 năm qua, ông Veeramalla Anjaiah - Chuyên gia nghiên cứu Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Indonesia nhận định:

“Có thể nói UNCLOS là bản hiến pháp của đại dương, đặt ra một chế độ luật lệ và trật tự toàn diện trên biển và đại dương thế giới, thiết lập các quy tắc quản lý sử dụng đại dương và tài nguyên của chúng. Trong suốt 40 năm tồn tại, UNCLOS đã chứng minh là một văn kiện quan trọng để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hàng hải quốc tế, bao gồm tranh chấp hàng hải cũng như phân phối các nguồn tài nguyên trên biển và đại dương”.

Theo chuyên gia Veeramalla Anjaiah, UNCLOS được áp dụng rộng rãi và hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề hàng hải giữa các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Biển Đông, nơi có những tuyên bố vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến yêu sách “đường Lưỡi bò” của Trung Quốc./.