Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, nếu không có hành động cụ thể quyết đoán, thảm họa hạt nhân chỉ là vấn đề thời gian và nguy cơ này ngày càng lớn hơn khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc trở nên gay gắt.

Lo ngại vũ khí hạt nhân gia tăng khi cuộc xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ Hiệp ước START mới, thỏa thuận vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ.

Bà Retno cho rằng, Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức từ căng thẳng trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay, Indonesia sẽ tiếp tục thúc đẩy khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, thông qua nỗ lực kêu gọi các nước ký kết Nghị định thư về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân được các nước ASEAN ký năm 1995, là cam kết giữ cho khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Hiện chưa có nước nào trong số 5 cường quốc hạt nhân thế giới gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc ký tham gia Hiệp ước. Trung Quốc từng tuyên bố sẵn sàng ký vào Hiệp ước trong vài năm tới.

Ngoại trưởng Indonesia cũng đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Theo đó, nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân đòi hỏi phải có ý chí chính trị, với việc đưa ra những quy định ràng buộc về mặt pháp lý để các quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia khác; khuyến khích các quốc gia tuân thủ nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường lòng tin giữa các nước./.