Các báo cáo viên bày tỏ quan ngại về nguy cơ khủng bố gia tăng tại châu Phi, khủng bố lợi dụng tình hình xung đột, khủng hoảng nhân đạo tại khu vực; đồng thời cho rằng, nếu áp dụng sai, các biện pháp chống khủng bố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nhân đạo. Các báo cáo viên kêu gọi Hội đồng Bảo an tái khẳng định yêu cầu bảo vệ không gian nhân đạo, thúc đẩy đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm.
Đại diện Văn phòng chống khủng bố của Liên Hợp Quốc (UNOCT) cho biết, cơ quan này phối hợp chặt chẽ với các đối tác về nhân quyền, nhân đạo, triển khai nhiều dự án hỗ trợ quốc gia tăng cường năng lực tuân thủ luật nhân đạo. Đại diện Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) đề nghị các tổ chức nhân đạo áp dụng các biện pháp cẩn trọng, quản lý rủi ro; các nước rà soát biện pháp chống khủng bố căn cứ quy định của luật nhân đạo; cơ chế trừng phạt cần cho phép áp dụng ngoại lệ nhân đạo.
Các nước thành viên Liên Hợp Quốc khẳng định cam kết chống khủng bố, bảo vệ người dân, tạo điều kiện hoạt động nhân đạo theo các nguyên tắc nhân đạo và thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề này.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho rằng biện pháp chống khủng bố và hoạt động nhân đạo có vai trò bổ trợ lẫn nhau, cần có cách tiếp cận toàn diện, điều phối, tránh tác động tiêu cực không mong muốn. Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định biện pháp chống khủng bố phải tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan; các nước cần thực hiện hiệu quả nghị quyết của Hội đồng Bảo an, đánh giá tác động tiêu cực của biện pháp chống khủng bố ngay trong quá trình xây dựng, áp dụng. Đại sứ nhấn mạnh biện pháp bảo vệ người dân tốt nhất là ngăn ngừa, giải quyết xung đột, duy trì hòa bình bền vững./.