Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã phát triển một máy bay không người lái (UAV) với khả năng bảo vệ tổ trắc thủ điều khiển UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) trước sự dò tìm của UAV trinh sát đối phương và đòn tập kích kế tiếp.

Hệ thống UAV Lodyr do Nga phát triển hứa hẹn sẽ gây xao lãng cho "trinh sát điện tử của đối phương" chuyên theo dõi liên kết giữa UAV và trắc thủ điều khiển, rồi lập lưới tam giác để định vị trắc thủ ở bên kia chiến tuyến.

Chiến tranh hiện đại, trắc thủ UAV trở thành mục tiêu tấn công

Trong xung đột Nga - Ukraine hiện nay, quân đội hai bên đều dò tìm và tấn công các kíp điều khiển UAV vì đây là các mục tiêu có giá trị cao. Bản thân các kíp lái UAV thường dễ bị công kích nếu không chú ý ẩn nấp và cơ động tránh né kịp thời.

Các UAV với góc nhìn thứ nhất do cả Nga và Ukraine sử dụng đã định nghĩa lại chiến trường nói chung và cuộc chiến UAV nói riêng thời hiện đại. Các UAV FPV (với camera gắn ở mũi) này đang được quân đội hai nước sử dụng để tấn công các xe thiết giáp, boong-ke, chiến hào, pháo và thậm chí cả xe tăng. Hai bên đã đăng tải nhiều video ghi lại các hoạt động tác chiến như vậy.

Các UAV này thường là thiết bị dân sự được gắn thêm thuốc nổ ở phía trước, còn màn hình theo dõi thì gắn ngay ở trước trán trắc thủ. Loại UAV này đang được săn lùng do mức độ dễ điều khiển và cơ động linh hoạt. Do góc nhìn trực tiếp từ mũi UAV, người điều khiển sẽ dễ dàng kiểm soát UAV và thực hiện các đường bay nhanh, dứt khoát.

Các phi công UAV FPV này thường phải có thêm sự trợ giúp từ các quân nhân bảo đảm an ninh xung quanh họ và lo việc chuyên chở UAV. Do vậy, các kíp UAV đó thường dễ bị đối phương phát hiện. Thực tế chiến trường cho thấy, Ukraine đã nhắm bắn các kíp FPV đó bằng pháo hoặc UAV cảm tử.

Bảo vệ phi công UAV bằng cách che giấu liên kết vô tuyến điện

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, hệ thống Lodyr có thể "gây phân tán sự chú ý của các hệ thống trinh sát điện tử của đối phương khỏi trắc thủ UAV FPV".

Như vậy có thể Nga đã sử dụng một UAV khai thác thiết bị tác chiến điện tử để che giấu liên kết vô tuyến điện giữa trắc thủ và UAV cảm tử mà anh ta kiểm soát.

UAV đặc biệt này cũng có thể bắt chước tín hiệu và tần số của một hệ thống UAV FPV cụ thể nào đó. Bài viết của TASS nêu: "Trên không, hoạt động của hệ thống Lodyr là không thể phân biệt được với hoạt động của một hệ thống UAV FPV thật".

Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của Lodyr nằm ở khả năng "ngủ đông" tại một vị trí đặc biệt trong thời gian dài. 

Dmitry Kuzyakin thuộc Trung tâm Tích hợp giải pháp không người lái (CIS) của Nga nói: "UAV này có tính tự động, có thể ở nguyên một vị trí trong thời gian dài, đợi chờ có lệnh thì mới kích hoạt trở lại".

TASS cho biết thêm: "Bộ UAV này sử dụng công nghệ ngủ đông UAV FPV do trung tâm CIS phát triển, cho phép UAV ngủ yên trong vài tuần liền trước khi tấn công".

Chuyên gia Kuzyakin cho biết tiếp: "Lodyr sản xuất rẻ. Có thể bố trí nhiều Lodyr tại khu vực có một kíp điều khiển FPV.

Theo Kuzyakin, việc bảo đảm an toàn cho kíp điều khiển FPV là ưu tiên hàng đầu của Nga hiện nay.

Kuzyakin cho biết thêm, Nga đang phát triển các công cụ mới cho phép đánh lạc hướng đối phương ở cấp độ chiến lược, và đây không phải là một sản phẩm đơn lẻ mà là một chuỗi các biện pháp và hỗ trợ kỹ thuật.

Theo đánh giá của Kuzyakin, các bước phát triển này của Nga sẽ khiến Ukraine phải nỗ lực tìm ra các giải pháp đối phó mới.

Vai trò của lính UAV tuyến đầu

Chuyên gia Kuzyakin tỏ ra hứng thú khi đề cập tầm quan trọng của các kíp UAV FPV và việc các kíp lái này đã trở thành các đơn vị chiến đấu thường trực ở tuyến đầu, đối mặt trực tiếp với nhiều hiểm nguy. Từ đó, Kuzyakin nói, xuất hiện nhu cầu phát triển các công nghệ bảo vệ đội ngũ chiến binh này.

Theo Kuzyakin, ở khu vực Tây Bắc của tiền tuyến gần Donetsk, nhiệm vụ của một tổ trắc thủ UAV FPV Nga "bắt đầu na ná công việc của một khẩu đội súng cối, khi có rất ít thời gian dành cho việc triển khai và sử dụng vũ khí".

Các khẩu đội súng cối hạng nhẹ và hạng trung dễ bị tổn thương nhất trước hỏa lực đối phương khi họ phải lập vị trí khai hỏa ngay sau quân tiên phong hoặc các tuyến phòng ngự tiền duyên, tiến hành xạ kích, rồi tháo rời vũ khí để thay đổi vị trí bắn hoặc rút lui. Trong quãng thời gian này, vị trí của các đội đó có thể bị bắn phá trực tiếp bằng kỹ thuật phản pháo truyền thống hoặc thông qua phương pháp trinh sát quang học/thị giác.

Theo các thông tin và video clip từ Bộ Quốc phòng Nga, các đội FPV của họ dường như cũng tác chiến tương tự lực lượng súng cối. "Thời gian thao tác sẽ được rút ngắn đến mức không thể ngắn hơn, do hoạt động trinh sát điện tử của đối phương được tăng cường".