Phương Tây ban đầu không tin Ukraine trụ vững trước Nga

Khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu đều không tin tưởng Ukraine sẽ trụ vững trước đợt tấn công vũ bão của người Nga khi ấy.

Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns thậm chí đã phải bay tới Kiev để cảnh báo rằng bản thân ban lãnh đạo Ukraine có thể bị tấn công trực tiếp. Mỹ cũng đã đóng cửa đại sứ quán của mình tại Kiev ngay trước cuộc tấn công quân sự này.

Mỹ khi đó chỉ cấp cho Ukraine khoảng 90 quả tên lửa chống tăng Javelin, nhưng chất lượng của chúng không được tốt cho lắm. Thủ tướng Anh khi ấy cũng bất chấp các phản đối trong nội bộ để cấp cho Ukraine khoảng 2.000 quả tên lửa chống tăng NLAW., nhưng số vũ khí này chỉ thích hợp cho chiến tranh du kích chứ không phải chiến tranh quy ước.

Khi ấy Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny đã giữ bí mật được kế hoạch tác chiến của Ukraine, không chỉ trước người Nga mà còn cả trước các nước phương Tây. Ngay cả nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensly cũng không biết kế hoạch đó của tướng Zaluzhny.

Một quan chức Lầu Năm Góc sau đó cho biết, ban đầu Mỹ bi quan về khả năng phòng thủ của Ukraine vì phía Ukraine không chia sẻ với họ kế hoạch thực sự của mình - những gì họ chia sẻ chỉ là những hoạt động đánh lừa quân sự.

Lúc đấy, chính quyền các nước phương Tây ngỡ ngàng về tốc độ tiến quân nhanh của Nga và luôn cẩn trọng về lời cảnh báo của Tổng thống Putin rằng phương Tây chớ can thiệp vào Ukraine.

Thủ tướng Anh Johnson thậm chí còn gọi điện cho Tổng thống Zelensky, đề nghị thu xếp cho ông chạy trốn, với kịch bản lập chính phủ Ukraine lưu vong ở London, tương tự như Ba Lan từng làm khi Đức Quốc xã xua quân vào Ba Lan năm 1939.

Tác dụng chiến lược của răn đe hạt nhân

Trong phát biểu vào ngày đầu tiên của xung đột vũ trang Nga - Ukraine, ông Putin đe dọa sẽ có những hậu quả khủng khiếp không tưởng tượng nổi nếu phương Tây cố gắng vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga và khiêu khích đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa hai bên.

Sự hăm dọa đó có tác dụng ở mức độ cao. Trong các tháng tiếp theo, Mỹ và đối tác của mình kiềm chế cao độ, tránh cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại vào đúng thời điểm Ukraine cần đến nhất (khi các vũ khí này hứa hẹn phát huy tác dụng lớn nhất). Phương Tây cũng ngăn Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để đánh vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.

Thế rồi, khi các hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây đến được đất Ukraine vào năm thứ 2 của cuộc xung đột, Nga đã xây dựng được các phòng tuyến sâu rộng, huy động được hàng trăm ngàn quân và chuyển nền công nghiệp của mình sang chế độ thời chiến. Khi này, cánh cửa cơ hội để Ukraine giành chiến thắng một cách rõ ràng và nhanh chóng đã khép lại.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2022, Ukraine vẫn trụ vững được, đẩy lui được đòn tiến công ban đầu của Nga vào thủ đô Kiev, dù rằng quân đội Ukraine đổ nhiều xương máu ở khu vực Donbass (miền Đông), nơi Nga vừa chuyển hướng tập trung sang đó.

Nhận thấy tình hình như vậy và tiềm năng của Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây mới bắt đầu cung cấp trọng pháo cho lực lượng vũ trang Ukraine, khi ấy đang cạn kiệt vũ khí.

Giới chức Ukraine tiếp tục nói với phía Mỹ rằng trên chiến trường Ukraine, Nga đã sử dụng tất cả các loại vũ khí họ có, ngoại trừ bom hạt nhân.

Tuy nhiên, khi ấy Mỹ vẫn rất coi trọng lời cảnh báo của Nga về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết: “Mỹ có nghĩa vụ đặc biệt là tránh chiến tranh hạt nhân với nguy cơ xóa sổ vĩnh viễn toàn bộ sự sống trên Trái Đất”.

Thời điểm vàng để Ukraine phản công hiệu quả đã qua đi

Trong giai đoạn đầu chiến dịch tiến công Ukraine, Nga hứng chịu một số tổn thất đáng kể. Nga khi đó có khoảng 100.000 quân nhân thiện chiến trên đất Ukraine và Tổng thống Putin chưa chủ trương huy động lực lượng dự bị động viên. Ở thời điểm đó, Ukraine đứng trước cơ hội tung đòn phản công quyết định. Nhưng để làm được điều này, Ukraine cần thêm khoảng 90 khẩu lựu pháo và lượng đạn cần thiết, theo tính toán của Tổng tư lệnh Zaluzhny.

Thêm nữa, khi ấy, giới cố vấn Mỹ cho rằng quân đội Ukraine chưa sẵn sàng cho việc tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn với sự phối hợp nhiều lữ đoàn. Do vậy, các chuyên gia này hối thúc Ukraine chỉ tổ chức tấn công ở mức khiêm tốn tại Kherson.

Tổng tư lệnh Ukraine Zaluzhny bất đồng với cố vấn Mỹ. Ông lập luận: “Chúng tôi phải tấn công ở nơi cần thiết chứ không phải ở nơi chúng tôi có khả năng”.

Sau đó, vì Mỹ chưa đồng ý và không viện trợ vũ khí đạn dược theo yêu cầu của Ukraine, chiến dịch của Ukraine tại Zaporizhzhia là bất khả thi. Ukraine chỉ tập trung vào Kharkov và Kherson.

Khi tình hình bất lợi cho quân Nga, Tổng thống Putin đã khẩn trương triển khai sáp nhập vào Nga 4 tỉnh là Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson dù rằng Nga lúc đó chưa kiểm soát được hoàn toàn các địa phương này.

Một lần nữa, Tổng thống Putin nhắc thế giới về kho vũ khí hạt nhân của Nga. Ông cảnh báo: “Nếu toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, thì để bảo vệ nước Nga và người dân Nga, chúng tôi sẽ không do dự sử dụng tất cả các phương tiện có trong tay”.

Ông Putin cũng nêu rõ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga không chỉ nhằm vào chế độ Kiev mà còn nhằm vào toàn bộ bộ máy quân sự của phương Tây tập thể.

Sau đó các văn phòng tuyển quân của Nga nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, với mục tiêu có thêm 300.000 lính Nga nữa.

Mỹ - EU tiếp tục e ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga

Ukraine không tin vào lời đe dọa của Nga về vũ khí hạt nhân. Nhưng Mỹ vẫn e ngại Nga sẽ sử dụng tới vũ khí hạt nhân.

Theo dự báo của tình báo Mỹ, Tổng thống Putin có khả năng cân nhắc tung đòn hạt nhân trong 3 kịch bản.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã lên truyền hình Mỹ để nói rằng Mỹ đã liên lạc trực tiếp với phía Nga ở cấp rất cao và thông báo rằng sẽ có hậu quả thảm kịch cho Nga nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.

Cuối tháng 11/2022, cuộc tiến công của Ukraine đã hết lực. Kiev không nhận được nguồn đạn pháo dồi dào nào từ phương Tây. Nguyện vọng của Kiev về xe tăng và các phương tiện chiến đấu khác của phương Tây vẫn bị khước từ. Trong khi đó, tư lệnh mới của Nga cho xung đột Ukraine vào lúc đó, tướng Sergei Surovikin có hàng trăm ngàn tân binh. Lợi thế về quân số tại chỗ của Ukraine trên chiến trường đã không còn nữa. Tướng Nga Surovikin đã chỉ đạo binh sĩ của mình dành cả mùa đông để đào hầm hào, xây dựng các công sự gần như bất khả xâm phạm dọc theo toàn chiến tuyến.

Những vũ khí nóng mà Ukraine xin vào năm 2022, như xe tăng Leopard và Abrams, xe chiến đấu Bradley và Stryker, cũng như hệ thống phòng không Patriot, phải mãi đến năm 2023 mới được cung cấp cho Ukraine. Số lượng không phải là ít.

Nhưng đến lúc này, cuộc xung đột đã có diện mạo mới. Chiến dịch phản công của Ukraine nửa cuối năm 2023 cơ bản đã thất bại trước phòng tuyến chắc chắn và đông quân của Nga.

Những lời đe dọa của ông Putin về hạt nhân đã giúp Nga có được thời gian quý báu để củng cố lực lượng, giúp Nga đạt được mục tiêu chiến lược.