Mệnh lệnh đầu tiên được Hamas phát đi trước 4h sáng ngày 7/10: bất kỳ ai đã tham gia các buổi huấn luyện thông thường và không có ý định tham gia buổi cầu nguyện bình minh tại nhà thờ theo thường lệ đều phải đến cầu nguyện.

Một giờ sau đó, khi trời dần sáng ở Gaza và các nhóm cầu nguyện bắt đầu giải tán, chỉ thị tiếp theo được ban hành. Chỉ đạo rất đơn giản và chủ yếu được truyền miệng: mang theo vũ khí và bất cứ loại đạn dược họ có và tập hợp tại các địa điểm cụ thể.

Nhưng vẫn không ai biết được chuyện gì sắp xảy ra. Chiến dịch Cơn lũ al-Aqsa, chiến dịch tham vọng nhất mà Hamas phát động kể từ khi nhóm này nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007, vẫn còn là một bí mật.

Kế hoạch đã được một số thủ lĩnh kỳ cựu, cứng rắn của Hamas vạch ra và các thành viên cấp dưới sau đó được lệnh thực hiện vẫn chưa biết đến nó. Tất nhiên, cơ quan tình báo và quân đội Israel cũng không hề hay biết.

Truyền chỉ đạo bằng lời nói cho hàng nghìn chiến binh Hamas sống rải rác trong 2,3 triệu dân của Gaza là cách thức mới nhất để “đánh lừa” một trong những hệ thống giám sát mạnh nhất trên thế giới và che giấu mọi thông tin về những gì sắp xảy ra với một mạng lưới gián điệp.

Các chỉ dẫn lan rộng khắp Gaza theo từng cấp, cấp đầu tiên được đưa ra cho chỉ huy của các “tiểu đoàn” từ 100 người trở lên, sau đó đến các chỉ huy trung đội gồm 20 hoặc 30 người. Các chỉ huy trung đội sau đó sẽ truyền đạt lại cho các chỉ huy tiểu đội và họ sẽ truyền đạt thông điệp cho bạn bè, hàng xóm và người thân đã cùng họ tham gia cuộc diễn tập được tổ chức 2 lần mỗi tuần ở hàng chục địa điểm trong khu vực.

Chỉ khi các nhóm tập hợp lại thì đạn dược bổ sung và vũ khí mạnh hơn mới được phân phát. Ngay sau đó, họ được phát lựu đạn và súng phóng lựu, súng máy hạng nặng, súng bắn tỉa và chất nổ.

6h sáng, mặt trời đã lên và những mệnh lệnh cuối cùng đã được phát đi. Trong chỉ thị bằng văn bản, họ được lệnh xuyên thủng hàng rào biên giới và tấn công vào Israel.

Một kế hoạch chính xác

Mô tả của Guardian về những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc tấn công ngày 7/10 được thu thập từ nhiều nguồn, bao gồm cả từ cuộc gặp với các quan chức tình báo Israel, các chuyên gia, các nguồn am hiểu về báo cáo thẩm vấn các chiến binh Hamas bị bắt giữ, tài liệu của Hamas và quân đội Israel.

Nó cho thấy quy mô của kế hoạch đằng sau chiến dịch và giải thích một phần thất bại của lực lượng an ninh Israel.

Một trong các yếu tố đáng chú ý là số lượng người vượt qua hàng rào biên giới. Một số nguồn tin cho hay có tới 3.000 người, bao gồm cả các thành viên của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), một phe đồng minh nhưng độc lập với Hamas. Lực lượng này không được thông báo trước về các cuộc tấn công, nhưng đã tham gia khi biết hàng rào biên giới đã bị xuyên thủng.

Các mệnh lệnh bằng văn bản của Hamas giải thích cho các đơn vị tấn công về một kế hoạch cụ thể và chính xác. Israel cho rằng,  2 người đứng đằng sau kế hoạch này là Yahya Sinwar, lãnh đạo chính trị của Hamas trong khu vực và thủ lĩnh nhánh quân sự Mohammed Deif.

Mỗi đơn vị được giao một mục tiêu riêng: một căn cứ quân sự, một khu định cư, một con đường hoặc một thị trấn cụ thể. Mệnh lệnh của họ thường kèm theo bản đồ chi tiết về hệ thống phòng thủ và các vị trí quan trọng trong mục tiêu, dựa trên thông tin thu được từ những người ủng hộ làm việc ở Israel.

Ba nhiệm vụ được giao cho các đơn vị khác nhau. Nhóm đầu tiên được lệnh áp đảo các căn cứ quân sự ít người và không được chuẩn bị của Israel xung quanh Gaza.

Nhóm thứ hai được lệnh bảo vệ các vị trí chống lại lực lượng quân sự Israel khi họ đến, thường phục kích trên các tuyến đường trọng điểm.

Nhóm thứ ba có nhiệm vụ bắt giữ càng nhiều con tin càng tốt và đưa họ đến các lỗ hổng trên hàng rào biên giới. Ở đó có các đội đang chờ sẵn để đưa con tin vào khu phức hợp đường hầm rộng lớn bên trong Gaza. Hamas được cho là đang giữ hơn 200 con tin. Cho đến nay mới chỉ có 4 con tin được thả và 1 con tin được giải cứu.

Các quan chức an ninh Israel tin rằng ngay cả giới lãnh đạo chính trị của Hamas ở nước ngoài cũng không được thông báo chi tiết về kế hoạch tấn công và các nhà tài trợ của Hamas ở Iran cũng như vậy, mặc dù cả hai có lẽ đều biết rằng có điều gì đó đang được lên kế hoạch.

“Đó là một vòng tròn rất chặt chẽ”, một nguồn tin thân cận với Hamas nói với Reuters vào tháng trước.

Các thủ lĩnh Hamas cho biết kế hoạch tấn công đã bắt đầu từ 2 năm trước, sau khi cảnh sát Israel đột kích vào nhà thờ al-Aqsa ở Jerusalem, một địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo. Trong khi đó, nguồn tin của Israel nói rằng kế hoạch tấn công của Hamas bắt đầu gần đây hơn, có thể là 1 năm hoặc 18 tháng và trong thời gian này, một nỗ lực đã được thực hiện để khiến Israel tin rằng Hamas đã chuyển trọng tâm từ chống Israel sang phát triển kinh tế ở Gaza.

Ai là người đứng sau kế hoạch tấn công của Hamas?

Vai trò của các thủ lĩnh Hamas trong cuộc tấn công vẫn chưa được xác định, nhưng rõ ràng Yahya Sinwar và Mohammed Deif là trung tâm trong kế hoạch của tổ chức này.

Deif có nghĩa là “khách”, ám chỉ việc người đàn ông 58 tuổi này liên tục phải thay đổi chỗ ở để tránh bị Israel phát hiện. Deif gia nhập Hamas từ khi mới ngoài 20 tuổi. Các quan chức Israel mô tả Deif, tên thật là Mohammed Diab Ibrahim al-Masri, là “người chết di động”.

Sinwar, 61 tuổi, cũng là thành viên sáng lập Hamas từng phải ngồi tù 23 năm ở Israel vì tội giết lính Israel. Sinwar được thả cùng với hơn 1.000 tù nhân khác năm 2011 để đổi lấy Gilad Shalit, một binh sĩ Israel bị Hamas bắt giữ năm 2010.

Theo các nhà phân tích, các mục tiêu khác của cuộc tấn công ngày 7/10 có thể bao gồm việc ngăn chặn nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, làm suy yếu Chính quyền Palestine, phá vỡ lệnh phong tỏa Gaza và kích động phản ứng bạo lực từ Israel để huy động những người ủng hộ mình ở Gaza, Bờ Tây và những nơi khác.

5 ngày sau vụ tấn công, một lãnh đạo Hamas tuyên bố đây là một cuộc tấn công phủ đầu được thực hiện sau khi tổ chức này biết rằng lực lượng Israel đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào Gaza sau kỳ nghỉ lễ Sukkot của người Do Thái.

Nhiều chuyên gia và cả các nguồn tin an ninh Israel cho biết Hamas rất ngạc nhiên trước thành công của chiến dịch. Phản ứng chậm chạp của các lực lượng Israel đã tạo điều kiện cho một số đơn vị của Hamas nhiều lần đi từ Gaza vào Israel để bắt thêm con tin.

Không có bằng chứng nào cho thấy Hamas muốn châm ngòi cho một cuộc nổi dậy rộng lớn hơn, mặc dù các chiến binh được lệnh chiến đấu đến cùng. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể đã bỏ cuộc. Các quan chức Israel không tiết lộ có bao nhiêu chiến binh đã đầu hàng, chỉ nói rằng những người bị bắt giữ này là nguồn thông tin hữu ích.