Ukraine từng có ưu thế mạnh về UAV

Tuần qua, báo chí có một số tin bài phản ánh “sức mạnh” UAV (máy bay không người lái) của Ukraine trong cuộc xung đột vũ trang với Nga. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự đang đặt câu hỏi, liệu Ukraine sẽ duy trì “lợi thế” trong cuộc chiến UAV này được bao lâu nữa.

Có thông tin cho hay, tuần qua, Ukraine đã vô hiệu hóa được hệ thống Silok của Nga chuyên phá sóng vô tuyến - hệ thống này được Nga triển khai để gây gián đoạn các liên kết radio giữa UAV Ukraine và các trắc thủ điều khiển.

UAV Ukraine đã tấn công thành công vào một nhà máy sản xuất hệ thống phòng không Pantsir-S của Nga. UAV của Ukraine cũng đã đánh trúng một kho dầu ở miền Tây nước Nga, gây ra vụ cháy lớn.

Ngoài ra trước đó còn có thông tin về các đòn đánh của Ukraine bằng UAV nhằm vào lực lượng hàng hải Nga ở Biển Đen - phía Ukraine cho rằng, những đòn đánh này không chỉ làm suy yếu bộ phận phòng thủ của Nga tại Crimea mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến lực lượng hải quân Nga trên Biển Đen.

Nhờ vào “sức mạnh” UAV đó của mình, Ukraine đã khôi phục được việc vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen - điều thiết yếu đối với nền kinh tế của nước này. Trong những tháng gần đây, còn có những bài báo phản ánh việc UAV Ukraine tấn công mỗi lúc một sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Ai cũng cảm nhận được xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ 3 mà chưa thể chấm dứt trong tương lai gần. Nhưng có thể khẳng định, Ukraine cầm cự được lâu đến như vậy trước quân đội Nga hùng mạnh hơn nhiều là nhờ vào nhân tố UAV - đặc điểm tiêu biểu của xung đột vũ trang này.

Không ngoa ngôn khi nói rằng Ukraine đã xây dựng và mua sắm được một đội máy bay điều khiển từ xa rất đa dạng, từ loại nhỏ có thể đặt gọn trên lòng bàn tay đến loại nặng hơn 454kg để cản trở bước tiến của quân Nga.

Tình hình biến hóa với sự lên ngôi của UAV cỡ nhỏ

Điều đáng lưu ý là cuộc chiến UAV đã nhanh chóng thay đổi, với sự ra đời của nhiều mẫu UAV mới cùng các chiến thuật mới gắn liền với các biến đổi không ngừng trên chiến trường.

Giới chuyên gia nhận xét rằng trong giai đoạn đầu của cuộc đối đầu Nga - Ukraine, khi năng lực tác chiến điện tử và phòng không của Nga chưa nổi bật thì Ukraine dựa vào các loại UAV cỡ lớn (giống chiếc TB2 Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất) và đạt hiệu quả rất cao.

Tuy nhiên, theo thời gian, Nga đã kiểm soát bầu trời tốt hơn và có khả năng phát hiện, bắn hạ các mẫu UAV cỡ lớn này một cách dễ dàng hơn. Trong bối cảnh ấy, Ukraine chuyển sang sử dụng công nghệ UAV nhỏ hơn để đối phó với các tiến bộ của phía Nga.

Người ta nhận thấy, những UAV cỡ lớn vốn thường xuất hiện trong các chiến dịch tiễu trừ khủng bố ở Afghanistan, Iraq, Pakistan, Somalia và Syria thì nay không còn thích hợp cho cuộc giao tranh ở Ukraine.

UAV loại lớn đạt hiệu quả lớn nhất trong các không phận không bị tranh chấp trong cuộc chiến bất đối xứng, do các UAV này có khả năng bay trong thời gian dài để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và không kích nơi xa.

Nhưng những UAV cỡ lớn này lại bộc lộ điểm yếu khi bên tấn công không kiểm soát được bầu trời.

Trái lại, UAV loại nhỏ do lực lượng lục quân điều khiển lại tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong không phận thấp của Ukraine, nhờ vào kích cỡ nhỏ và số lượng lớn. Tầng không này nằm giữa lực lượng trên bộ và vùng bay của máy bay ném bom, là không gian hoạt động lý tưởng cho các loại UAV cảm tử (“đạn lảng vảng”) và các UAV thương mại mang lựu đạn để thay thế cho UAV quân dụng.

Dominika Kunertova - nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh ETH Zurich nhận định: “Các UAV nhỏ đã tỏ ra hiệu quả nhất trong các nhiệm vụ đơn giản hơn. Chúng cung cấp “tai mắt” trên bầu trời, và giúp những người lính riêng lẻ phát hiện đơn vị đối phương, chỉ điểm cho hỏa lực pháo binh - điều này làm tăng nhịp tiến và độ chính xác của lục quân, đồng thời hạn chế rủi ro cho các quân nhân”.

Có lẽ đây là lý do Ukraine đã tung ra một loạt UAV mới, bao gồm Backfire chống gây nhiễu, và thiết bị mặt đất không người lái Ratel S và tàu lặn không người lái Marichka. Các loại “drone” này được cho là mang lại cho Ukraine lợi thế nhận thức tốt hơn về không gian tác chiến và khả năng đánh trúng mục tiêu.

Cuộc chiến UAV chết chóc giữa Nga và Ukraine bên sông Dnipro

VOV.VN - Tại khu vực sông Dnipro rộng dài, cuộc chiến UAV diễn ra rất khốc liệt, gây chết chóc cho cả hai phía Nga và Ukraine. Không có nơi nào thực sự an toàn. Thiết bị bay không người lái như tử thần lơ lửng trên bầu trời chờ cơ hội lao xuống.

Với cách tiếp cận này, Ukraine tận dụng UAV thương mại để nhanh chóng đưa vào chiến trường.

Kunertova cho biết, nhiều UAV giải trí đã được quyên góp từ cấp cơ sở. Do UAV loại này có giá rẻ (chỉ khoảng 1.000 USD/chiếc), người ta có thể nhanh chóng tập hợp và chỉnh sửa UAV này cho các nhiệm vụ cụ thể mới trên chiến trường.

Trong dòng UAV này, đáng chú ý nhất là loại UAV FPV (góc nhìn thứ nhất), vốn trước đây được sử dụng trong hoạt động “đua” hoặc quay phim. Nay UAV này được “độ” lại để mang thiết bị nổ tự chế, sau đó nó có thể được điểu khiển lao thẳng vào mục tiêu cố định, với chi phí tương đối thấp.

Các UAV này có thể tiến hành các cuộc tấn công với độ chính xác cao mà ít bị phòng không Nga cản phá.

UAV loại này còn có ưu điểm là nhờ độ chính xác cao nên có thể tấn công chính xác vào mục tiêu Nga đến tận khi binh sĩ Ukraine chỉ còn cách mục tiêu vài mét. Trong khi đó, với cách pháo kích thông thường, người ta buộc phải dừng nã đạn khi binh sĩ  cùng phe đang tiến lại gần chiến hào đối phương.

Điều quan trọng nữa là Ukraine tự sản xuất được các UAV như thế này thông qua quan hệ đối tác công tư. Được biết, Ukraine có kế hoạch sản xuất hơn 11.000 UAV tấn công tầm trung và tầm xa trong năm 2024 cũng như một triệu UAV FPV.

Nga tìm cách vô hiệu hóa UAV Ukraine, giành lợi thế áp đảo

Tất cả những điều nêu trên không nhất thiết đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ giành ưu thế trước Nga chỉ nhờ vào riêng UAV.

Thứ nhất, Nga đang phát triển các chiến thuật và chiến lược chống UAV tấn công của Ukraine. Nga phối hợp phương pháp cũ với mới để xử lý UAV đối phương.

Có thông tin cho rằng quân đội Nga sử dụng tân binh tấn công vào chiến tuyến Ukraine, buộc binh lính Ukraine phải đáp trả và làm lộ các vị trí có ngụy trang. Khi UAV đã phát hiện ra các vị trí đó, pháo binh Nga sẽ được cung cấp tọa độ để giã dồn dập và chính xác vào mục tiêu.

Phương Tây lo ngại rằng trong các vụ tấn công bằng UAV của Ukraine, số vụ thất bại nhiều hơn hẳn số vụ thành công.

Thứ hai, Nga cũng đang tích cực sử dụng UAV, đồng thời tự sản xuất UAV. Khi xét về UAV, dường như Nga đã có lợi thế vượt trội so với Ukraine. Một sĩ quan Ukraine, tên là Yuriy Fedorenko, chỉ huy đại đội Achilles thuộc Lữ đoàn cơ động đường không độc lập 92, thậm chí đã thừa nhận rằng “ứng với mỗi UAV Ukraine có tới 7 UAV Nga”.

Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov đã tiết lộ rằng Nga có kế hoạch sản xuất hơn 32.000 UAV mỗi năm cho tới năm 2030, với các nhà sản xuất nội địa chiếm lĩnh 70% thị phần này.

Ông Belousov cho biết, Nga sẽ cung cấp tài chính cho dự án quốc gia về UAV, với nguồn vốn lên tới 7,66 tỷ USD tính đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Belousov nói với hãng thông tấn TASS: “Sản lượng UAV, không tính loại dùng cho mục đích giáo dục, dự tính sẽ là 32.500 chiếc, gần gấp 3 lần sản lượng hiện tại”.

Moscow đã triển khai các mẫu UAV nội địa như Orion, Eleron-3, Orlan-10 và Lancet. Họ cũng tìm mua của Iran một lượng lớn UAV Shahed-136 - loại có thể mang 45kg thuốc nổ trên cự ly 1.931km.

Có thông tin cho hay Nga đang tự chế tạo loại UAV cảm tử nguy hiểm hơn dựa trên UAV Shahed và sản xuất các UAV giá rẻ sử dụng động cơ của hãng AliExpress.

Hợp tác với Iran, Nga gần đây đã hoàn thiện xây dựng một nhà máy UAV ở Tatarstan, cách thủ đô Moscow 805km về phía Đông. Ước tính nhà máy này có năng lực sản xuất 6.000 nguyên mẫu  Shahed-136 (được Moscow đặt lại tên thành Geran-2) vào giữa năm 2025.

Với năng lực sản xuất UAV mở rộng như thế này, Nga có thể giải quyết được tình trạng thiếu UAV và giành được lợi thế áp đảo trước Ukraine trên chiến trường. Trong khi đó, Ukraine có khả năng sẽ không theo kịp Nga về mặt này.