Dự kiến cuộc đàm phán tới có Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Tối cao Khaled Al-Mashri. Các bên sẽ tiếp tục thảo luận về cơ sở hiến pháp để tổ chức bầu cử. Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh bế tắc về chính trị do tồn tại song song hai chính phủ và xung đột tiếp diễn. Dù đã thành công trong việc giải quyết nhiều vấn đề, nhưng các cuộc đàm phán giữa các bên ở Libya do Ai Cập làm trung gian trong suốt năm qua vẫn gặp trở ngại.

Nhận định về các cuộc họp sắp tới ở Cairo, giới phân tích khu vực cho rằng, không có cơ quan chính trị nào ở Libya có thể giải quyết các vấn đề nội tại của nước này ngoại trừ hai lực lượng chính trị là Nghị viện và Nhà nước, vì họ là các cơ quan lập pháp được Liên Hợp Quốc công nhận trong thiết lập cơ sở hiến pháp.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không có áp lực hiệu quả từ cộng đồng quốc tế đối với Nghị viện và Nhà nước Libya để hoàn thành nhiệm vụ cơ sở hiến pháp, thì không thể nói về bầu cử, ngay cả sau nhiều năm. Các nhà phân tích cũng cảnh báo, nếu các cuộc đàm phán mới thất bại, xung đột quân sự sẽ lại leo thang ở Libya./.