Ngày 21/11 (theo giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành họp khẩn để thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 mới nhất của Triều Tiên. Sau nhiều tuần căng thẳng, Hàn Quốc vừa bày tỏ mong muốn Nga và Trung Quốc hợp tác, để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh giới phân tích cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã chứng minh nước này đã có “lời đáp trả thực tế”, chứ không phải lời nói suông trước các hành động quân sự chung Mỹ - Hàn.
Giáo sư Yang Moo-jin tại Hàn Quốc, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên cho biết: “Vụ phóng được xem là lần sửa chữa cho vụ phóng hôm 3/11 – bị nghi là thất bại. Nó cho thấy Hwasong-17 đã được cải tiến về mặt công nghệ. Ngoài ra, về mặt chiến lược quân sự, nó chứng minh rằng, Triều Tiên sẽ hành động thực tế, chứ không phải là những lời nói sáo rỗng, phản ứng lại các hành động răn đe mở rộng của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản”.
Ngay trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung kêu gọi thế giới có các biện pháp đáp trả Triều Tiên. Các nước G7 cho rằng, vụ phóng mới của Triều Tiên là hành động liều lĩnh và vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc yêu cầu Nga và Trung Quốc “hợp tác hơn nữa” để ngăn chặn Triều Tiên tiến hành thêm các vụ thử tên lửa. Nói chuyện với các Đại sứ Nga và Trung Quốc tại Seoul, Đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Kim Gunn mong muốn 2 nước này đóng vai trò xây dựng, ngăn Triều Tiên có các hành động khiêu khích và giúp đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đối thoại.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định sẽ tạo ra một “môi trường chiến lược” để Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Bộ này đã nêu chi tiết đề xuất “táo bạo” của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol nhằm giúp Bình Nhưỡng cải thiện nền kinh tế để đổi lấy việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ để “bình thường hóa” quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Mỹ. Bộ này cũng đã vạch ra cách tiếp cận ba bước nhằm cung cấp nhiều biện pháp tương ứng khác nhau cho Triều Tiên, từ các chương trình trao đổi lương thực và viện trợ đến thương mại và đầu tư liên Triều.
Tuy nhiên, phản ứng trước các chỉ trích của các nước mấy ngày qua về vụ phóng tên lửa, hôm nay, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui cho biết, bà rất lấy làm tiếc về việc Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án vụ phóng; cho rằng ông đã có thái độ rất đáng trách, quên mất mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc ũng như sứ mệnh đúng đắn là không thiên vị, duy trì sự khách quan và công bằng trong mọi vấn đề. Triều Tiên mong muốn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ xem xét vấn đề bán đảo Triều Tiên trên cơ sở công bằng và khách quan.
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, các bên cần duy trì ổn định, để tình hình không xấu đi: “Trung Quốc đang rất quan tâm đến diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo, không để tình hình leo thang xấu đi sẽ phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ giải quyết vẫn đề thông qua giải pháp chính trị và giải quyết các mối quan tâm tương ứng của nhau một cách cân bằng”./.