Cùng với hạn hán và nắng nóng cực đoan, việc bảo trì đột xuất đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua Biển Baltic đã làm trầm trọng hơn những tranh cãi giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), cũng như gia tăng nguy cơ suy thoái và thiếu hụt năng lượng tại châu lục trong mùa Đông sắp tới.

Chốt phiên giao dịch ngày 22/8, giá khí đốt chuẩn của châu Âu đã tăng 14,6% lên mức 280,24 euro/MWh, tăng gấp đôi chỉ trong 1 tháng và cao hơn 14 lần so với mức trung bình của thập  kỷ qua. Theo chuyên gia kinh tế Tapas Strickland của NAB, tình hình năng lượng tồi tệ của châu Âu cho thấy giai đoạn đỉnh điểm của lạm phát vẫn chưa đến và rủi ro lạm phát cao sẽ còn kéo dài nếu không có hành động tích cực hơn nữa của các ngân hàng trung ương. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm.

Các chuyên gia tại Liên minh châu Âu cho rằng việc đóng cửa đường ống trong thời gian ngắn sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn, đặc biệt là khi Nga đã giảm xuất khẩu khí đốt thông qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 20% công suất kể từ ngày 27/7.  Song quyết định lại làm nổi bật hai rủi ro nghiêm trọng là Nga có thể không mở lại đường ống do những vấn đề về kỹ thuật trong bối cảnh phương Tây thắt chặt trừng phạt hoặc Nga sẽ đóng cửa hoàn toàn đường ống nếu những căng thẳng địa chính trị hiện nay bị đẩy lên cao.

Ủy viên về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson cho rằng, giá cao hơn và nguồn cung cấp khí đốt khan hiếm hơn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái nghiêm trọng mà châu Âu đang phải đối mặt: “Tất cả chúng ta đều biết tình hình nghiêm trọng như thế nào và cuộc khủng hoảng có thể còn tồi tệ hơn. Hiện tại nguồn cung cấp khí đốt từ phía Đông, từ Nga chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái và có thể còn giảm hơn. Vì vậy, chúng ta phải đẩy mạnh phản ứng và đảm bảo rằng chúng ta luôn sẵn sàng cho mọi tình huống."

EU loay hoay đa dạng hóa khí đốt khi bị Nga cắt nguồn cung

VOV.VN - Liên minh châu Âu (EU) đang cùng Mỹ nhất quyết đối đầu Nga trong vấn đề Ukraine. Khi làm vậy, EU đã phải chấp nhận giảm nguồn cung năng lương từ Nga. Loay hoay tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, EU vẫn gặp phải muôn vàn khó khăn, bất trắc.

Cho đến gần đây, Đức vẫn nhập khẩu hơn một nửa lượng khí đốt từ Nga và chính phủ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tìm cách tăng nguồn cung cấp khí đốt vào mùa Đông trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về khả năng Nga đóng cửa hoàn toàn nguồn cung. Tuy nhiên, thoát khỏi hàng thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt của Nga không phải là việc có thể làm trong ngày một ngày hai, nhất là khi nguồn cung toàn cầu đang khan hiếm. Ngay cả những quốc gia ủng hộ năng lượng hạt nhân cũng không an toàn vào năm 2022. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Pháp sản xuất khoảng 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân, nhưng các nhà máy này đã bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán ở châu Âu. Nắng nóng gay gắt khiến nước sông quá ấm nên không thể làm mát cho nhà máy điện hạt nhân. Các nguồn năng lượng thay thế khác như thủy điện hay điện mặt trời cũng đang bị đình trệ vì nắng nóng quá khắc nghiệt.

Theo Bộ trưởng Bộ chuyển dịch sinh thái Tây Ban Nha Ribera Rodriguez, mục tiêu chung là đảm bảo mùa đông năm nay sẽ không trở nên quá khắc nghiệt do thiếu khí đốt của Nga và giúp các nước thành viên có thêm thời gian để giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga: “Tôi nghĩ điều rất quan trọng là châu Âu phải tận dụng tình huống này để đảm bảo chúng ta có phản ứng chung. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần đi cùng nhau.”

Tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể buộc các quốc gia phải xem xét cách kiểm soát tốt hơn an ninh năng lượng thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, nhưng việc kế hoạch như vậy thường diễn ra trong thời bình chứ không phải trong bối cảnh xung đột. Do đó, giá khí đốt dự báo sẽ còn tiếp tục tăng và cuộc chiến cung cấp nhiên liệu cho hàng triệu người trên khắp châu Âu sẽ ngày càng khốc liệt hơn cùng với diễn biến cuộc xung đột tại Ukraine./.