Cuộc họp G7 về biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia đang hối thúc các nước công nghiệp hóa cần tận dụng tầm ảnh hưởng chính trị, sự giàu có và công nghệ của họ để chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cuộc họp của các bộ trưởng G7 tại Turin là phiên họp chính trị lớn đầu tiên kể từ khi thế giới cam kết bắt đầu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) được tổ chức ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất hồi năm ngoái. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh báo cáo mới của một viện khí hậu toàn cầu cho thấy G7 đang không đạt được mục tiêu đề ra.

Trong tuyên bố trước thềm hội nghị G7, Bộ trưởng Môi trường và An ninh Năng lượng Italia Gilberto Pichetto Fratin- nước giữ chức chủ tịch luân phiên G7, đã bày tỏ mong muốn cuộc họp tại Turin sẽ trở thành mắt xích chiến lược giữa Cop 28 ở Dubai năm ngoái và Cop 29, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Azerbaijan. Theo đó, mục tiêu của cuộc họp là đảm bảo lộ trình do Cop 28 đặt ra trở nên thiết thực, thực tế và cụ thể. 

Điều này đã được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đặc biệt nhấn mạnh tại một buổi đối thoại về môi trường diễn ra tại Đức mới đây: "Mỗi quốc gia sẽ đi theo con đường riêng của mình hướng tới sự trung lập về khí hậu. Điều quan trọng là chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực này. Thế giới năm 2024 không còn là thế giới của những năm trước đây. Các quốc gia đã đóng góp đáng kể vào lượng khí thải trong nhiều năm qua cần phải đóng góp vào tài chính công để bảo vệ môi trường."

Theo kế hoạch, các bộ trưởng môi trường của G7, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ, sẽ tiến hành 4 phiên làm việc trong 2 ngày. Trong thời gian họp, các bên sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu quan trọng, chìa khóa cho hệ thống năng lượng tái tạo, cũng như tái sử dụng khoáng sản. Ngoài ra, các bên cũng sẽ thảo luận các vấn đề về đất hiếm và năng lượng tái tạo. Đây được sẽ là một phần trong cuộc thảo luận  giữa các nước G7 với các phái đoàn châu Phi được mời tham dự cuộc họp ở Turin. Dự kiến trong cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ đạt được một số cam kết về huy động thêm ngân sách cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu

Trước thềm cuộc họp, hàng trăm người hoạt động bảo vệ môi trường hôm qua đã diễu hành qua nhiều đường phố ở Turin đã kêu gọi các nước G7 tận dụng tầm ảnh hưởng chính trị, sự giàu có và công nghệ của họ để chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng bày tỏ hy vọng G7 sẽ tăng cường hỗ trợ các nước kém phát triển về việc khử các-bon trong sản xuất công nghiệp, với sự tư vấn của các chuyên gia về các lĩnh vực đặc biệt khó khăn như xi măng và thép. 

Trong 1 tuyên bố, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn có cơ hội làm giảm lượng khí thải nhà kính bằng các kế hoạch khí hậu của quốc gia trên thế giới. Nhưng chúng ta cần những kế hoạch mạnh mẽ hơn ngay từ bây giờ. Mọi quốc gia đều phải đệ trình kế hoạch mới về bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải. Trong tiến trình đó sự lãnh đạo của G7 cần  phải là giải pháp cốt lõi.

Ước tính, các nước G7 chiếm khoảng 38% nền kinh tế toàn cầu và chịu trách nhiệm về 21% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2021. Một báo cáo được Viện chính sách Phân tích khí hậu Italia công bố hồi tuần trước cho thấy không có thành viên nào trong G7 đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu hiện tại về giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, thay vào đó các nước này đang tìm cách cắt giảm tốt nhất là khoảng một nửa so với mức cần thiết.

Theo một sáng kiến Cam kết về khí hậu năm 2025 được công bố cách đây ít ngày trước cuộc họp của G7, Liên hợp quốc đã kêu gọi hành động toàn cầu để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những đợt thiên tai, tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống và môi trường mà con người đang sống.