Đến ngày 19/12, 27 quốc gia của EU sẽ đưa ra quyết định dựa trên đề xuất của Ủy ban. Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã khiến các quan chức của khối không hài lòng, khi ông liên tục chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhắm vào Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Petri Sarvamaa, thành viên của Ủy ban Nghị viện Châu Âu về kiểm soát ngân sách cho biết đây là một thời khắc lịch sử để bảo vệ giá trị pháp quyền ở châu Âu. Các nhà lập pháp châu Âu tuần trước đã gây áp lực lên Ủy ban và Hội đồng châu Âu với một nghị quyết yêu cầu họ đóng băng các quỹ.

Mặc dù Hungary khẳng định không liên kết vấn đề quỹ của EU với các vấn đề khác, nhưng nhiều quan chức Brussels coi quyền phủ quyết của nước này là dấu hiệu cho thấy Orban đang cố gắng đe dọa phần còn lại của khối trong việc giải ngân hàng tỷ USD quỹ EU. Vào tháng 9, cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất khối này đình chỉ khoảng 7,5 tỷ euro (7,5 tỷ USD) tài trợ thường xuyên cho Hungary do lo ngại về vấn đề dân chủ và khả năng quản lý tiền hỗ trợ của EU. Hungary cũng đồng ý về 17 biện pháp chống tham nhũng, bao gồm cả việc thành lập lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng và thay đổi các quy tắc mua sắm công, nhưng Ủy ban châu Âu cho rằng bất chấp các bước được thực hiện, ngân sách EU vẫn tiếp tục có thể gặp rủi ro.

Số tiền này có thể bị đóng băng theo một cơ chế có điều kiện phải được sự chấp thuận của đa số các quốc gia thành viên EU, đồng thời cho phép EU thực hiện các biện pháp để bảo vệ ngân sách của mình. Ông Didier Reynders, Ủy viên Tư pháp Châu Âu, cho biết EU sẽ rất cảnh giác về giám sát tiến độ mà Hungary đạt được trong việc đưa ra các cải cách mang tính ràng buộc, đồng thời nói thêm rằng việc trì hoãn chấp nhận các cải cách này sẽ cản trở mọi khoản thanh toán tiếp theo. Với tốc độ đàm phán hiện tại, Hungary khó có thể nhận được bất kỳ khoản tiền nào trước mùa xuân.

Hungary, một quốc gia nhận được nhiều quỹ của EU, đang ngày càng bị chỉ trích vì đi xa khỏi các chuẩn mực dân chủ của khối. Ủy ban châu Âu trong gần một thập kỷ đã cáo buộc ông Orban phá bỏ các thể chế dân chủ, kiểm soát các phương tiện truyền thông và vi phạm các quyền của thiểu số./.