Phát biểu khi đang tiến hành chuyến công du Canada cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước Đức vẫn đang phải đối mặt với một mùa Đông vô cùng khó khăn trước mắt và chính phủ Đức cũng dự tính rằng phía Nga sẽ tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức trong thời gian tới.
Hiện tại, lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Đức thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) chỉ đạt mức khoảng 20% so với trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine cách đây 6 tháng.
Chính phủ Đức cho rằng con số này sẽ tiếp tục sụt giảm trong những tuần tới khi tập đoàn Gazprom của Nga đã thông báo sẽ ngưng cung cấp khí đốt trong vòng ít nhất 3 ngày, kể từ 30/8, kể tiến hành bảo trì đường ống.
Phía Đức nhận định, Nga sẽ thường xuyên sử dụng các lý do kỹ thuật tương tự để giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu, thậm chí là cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khi mùa Đông đang tới gần nhằm gây sức ép và trả đũa châu Âu trong bối cảnh hai bên đang đối đầu căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine.
Nhằm đối phó với tình huống đó, chính phủ Đức hiện đang triển khai các kế hoạch khẩn cấp nhằm tiết kiệm năng lượng và gia tăng nguồn cung. Trong chuyến thăm 2 ngày đến Canada, dự kiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ ký kết với các công ty Canada một hợp đồng lớn mua khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhằm bù đắp phần khí đốt thiếu hụt từ Nga.
Bên cạnh đó, Đức cũng đang gấp rút tái khởi động các nhà máy điện than. Tuy nhiên, trong ngày 21/8, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã loại bỏ khả năng kéo dài thời gian hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân tại nước này do cho rằng việc kéo dài này không hiệu quả và đi ngược lại với chính sách chấm dứt sử dụng điện hạt nhân của Đức, theo dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022.
Ông Robert Habeck cũng bác bỏ khả năng Đức cho mở đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream) trị giá gần 10 tỷ euro do Nga và Đức xây dựng và đã hoàn tất vào cuối năm 2021 nhưng chưa từng được đưa vào sử dụng do xung đột Nga - Ukraine.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, việc nước Đức thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga là chiến lược dài hạn bắt buộc và giải pháp cho khủng hoảng năng lượng hiện nay là tìm kiếm các nguồn thay thế từ các quốc gia khác, đồng thời chia sẻ gánh nặng tài chính với các công ty năng lượng. Ông Robert Habeck nhận định, việc Chính phủ Đức mới đây ra quyết định kể từ ngày 1/10/2022 sẽ đánh thuế với người tiêu dùng Đức thêm 2,4 cents với mỗi Kwh khí đốt là biện pháp công bằng nhất./.