Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN ngày 10/7, ông Papperger cho biết, nhà máy sẽ được đặt ở phía Tây Ukraine, do Rheinmetall và công ty vũ khí nhà nước Ukraine Ukroboronprom điều hành.

“Ukraine phải tự giúp mình. Nếu họ luôn phải chờ đợi châu Âu hay Mỹ hỗ trợ trong 10 hay 20 năm tới thì đó là điều không thể”, ông Papperger nói.

Rheinmetall lần đầu tiên công bố kế hoạch mở nhà máy ở Ukraine hồi tháng 3 năm nay. Khi đó, công ty này cho biết sẽ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng nhà máy ở Ukraine và sản xuất 400 xe tăng Panther mới mỗi năm.

Theo ông Papperger, xe bọc thép chở quân 'Fuchs' sẽ là phương tiện đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của nhà máy. Các công nhân Ukraine sẽ được đào tạo để chế tạo và sửa chữa những sản phẩm này cũng như các sản phẩm khác của Rheinmetall, bao gồm xe chiến đấu bộ binh Marder, xe tăng Leopard 2 và hệ thống pháo Panzerhaubitze 2000.

Nga thường xuyên tấn công các mục tiêu quân sự ở phía Tây Ukraine bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình, coi các kho vũ khí và phương tiện quân sự nước ngoài là mục tiêu hợp pháp.

Hồi tháng 3, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nhà máy của Rheinmetall ở Ukraine cũng sẽ không phải là ngoại lệ.

Ông Papperger khẳng định Rheinmetall có thể bảo vệ nhà máy của mình. “Hiện tại có rất nhiều nhà máy đang sản xuất hàng hóa quân sự ở Ukraine. Nhà máy của Rheinmetall sẽ chỉ là một trong số đó và chúng tôi cũng có thể bảo vệ nhà máy của mình”.

Doanh thu của Rheinmetall tăng lên mức kỷ lục nhờ xung đột ở Ukraine. Công ty này thu về 6,4 tỷ euro (7 tỷ USD) trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021.