Theo BNPB, tâm chấn động đất nằm trên đất liền, cách khu vực Sukabumi khoảng 25 km về phía Tây Bắc với độ sâu chỉ 5 km.

Người dân có thể cảm nhận rung lắc động đất giống như một chiếc xe tải chạy ngang qua nhà. Các chuyên gia địa chất cho biết dù độ lớn không quá mạnh, song các trận động đất có tâm chấn nông thường gây thiệt hại nặng nền hơn so với tâm chấn sâu dưới lòng đất.

Các chi nhánh địa phương của BNPB ở Sukabumi và Bogor đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh tới các địa điểm chịu ảnh hưởng của động đất để đánh giá thiệt hại về người và tài sản.

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết đã ghi nhận sự gia tăng các hoạt động địa chất ở 2 núi lửa Salak và Gede ở tỉnh Tây Java, trước khi động đất xảy ra. BMKG cảnh báo nguy cơ phun trào núi lửa đột ngột. Người dân được yêu cầu thận trọng trước các thiên tai thảm họa trong mùa mưa lũ.

Nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất, phun trào núi lửa. Những ngày qua, các núi lửa Marapi (tỉnh Tây Sumatra, núi lửa Anak Krakatau (tỉnh Lampung) phun trào trở lại đã gây thiệt hại về người và ảnh hưởng cuộc sống người dân.