Cuộc họp là nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ngoại giao vì hoà bình trong giải quyết những thách thức toàn cầu. Tổng thư ký Antonio Guterres đã gọi sự hợp tác giữa 193 quốc gia thành viên là “trái tim” và là “tầm nhìn định hướng” của Liên Hợp Quốc. Ông kêu gọi các nước tuân thủ nghĩa vụ của mình, sử dụng những công cụ hiện có để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

"Chúng ta phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng đan xen và chưa từng có. Tuy nhiên hệ thống đa phương lại đang chịu sức ép lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập. Căng thẳng giữa các nước lớn ở vào giai đoạn cực điểm, cùng với đó là nguy cơ xung đột đến từ hành động phưu lưu, tính toán sai lầm. Cuộc xung đột tại Ucraina đang gây ra sự tàn phá, đồng thời làm gia tăng sự xáo trộn kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19”, ông Guterres nói.

Đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, việc bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Theo nhà ngoại giao hàng đầu Nga, thế giới đã tiệm cận một ranh giới thậm chí còn nguy hiểm hơn cả trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh

"Một lần nữa, giống như trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta đã đi đến một ranh giới nguy hiểm và có lẽ còn nguy hiểm hơn. Tình hình đã trở nên tồi tệ do mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương. Những hành vi gây hấn về kinh tế và tài chính đang phá huỷ lợi ích của toàn cầu hoá”, ông Sergei Lavrov nói.

Trước những chỉ trích của Mỹ và các đồng minh liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, vấn đề Ukraine không thể được xem xét tách biệt khỏi bối cảnh địa chính trị. Theo ông, đó là vấn đề về cách các mối quan hệ quốc tế sẽ được xây dựng trong tương lai, thông qua sự đồng thuận vững chắc dựa trên sự cân bằng lợi ích.

Cũng giống như hầu hết các sự kiện diễn ra trong suốt hơn 1 năm qua, cuộc họp một lần nữa chứng kiến màn tranh cãi gay gắt giữa Nga và phương Tây. Mỹ và các đồng minh tiếp tục lên án cuộc xung đột tại Ukraine và đổ lỗi cho Nga làm leo thang căng thẳng. Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (Linda Thomas- Greenfield, thế giới cần một Liên Hợp Quốc hoạt động hiệu quả. Bất chấp sự không hoàn hảo của hệ thống quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương đã giúp ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời đưa hơn một tỷ người thoát khỏi đói nghèo.

Hơn 1 năm sau khi nổ ra, cuộc xung đột tại Ukraine ngày càng cho thấy không chỉ là cuộc giằng co giữa Nga và Ukraine, mà là cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga và phương Tây. Điều này cũng dẫn tới sự bế tắc tại các cơ quan Liên Hợp Quốc. Xu hướng toàn cầu hóa và đa cực phải đối mặt với những lực cản lớn, đặc biệt là sự cạnh tranh, mâu thuẫn giữa các nước lớn…

Theo Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân, thế giới chỉ có một trật tự, với Hiến chương Liên Hợp Quốc là “nền tảng”. Các mối quan hệ quốc tế phải phản ánh sự bình đẳng và nâng cao hiệu quả của chủ nghĩa đa phương./.