Điện Kremlin: EU đang trở nên phụ thuộc vào năng lượng Mỹ: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/12 cho biết, quyết tâm của các quốc gia EU trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đang khiến họ phụ thuộc “một cách không thể tránh khỏi” vào năng lượng  Mỹ.

Theo ông Dmitry Peskov, khi trở nên quá phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Mỹ, Brussels đang thay thế hiệu quả “cơn nghiện này” bằng một “cơn nghiện” khác, nhưng trong trường hợp thứ hai, lợi ích mà họ thu được ít hơn rất nhiều.

EU vẫn bất đồng về mức trần giá khí đốt mới: 12 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã có một văn bản yêu cầu mức trần giá thấp hơn "đáng kể" so với dự thảo cuối cùng mà EU đề xuất.

Trong bối cảnh EU đang cố gắng đạt được thỏa thuận về mức trần giá khí đốt mới, hàng chục quốc gia, bao gồm Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva... cuối tuần qua tiếp tục bày tỏ sự phản đối kế hoạch của Liên minh châu Âu khi vẫn muốn mức trần phải hạ thấp hơn nữa. Điều này khiến các nhà ngoại giao lo ngại rằng, một thỏa thuận sẽ khó đạt được tại cuộc họp trong tuần này.

Cuối tuần qua, các nước EU đã tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp để cố gắng đồng ý về một thỏa thuận hạn chế giá tại cuộc họp ngày 13/12 của các bộ trưởng năng lượng của họ, tuy nhiên, các quốc gia vẫn tìm được tiếng nói chung về kế hoạch này.

Séc kêu gọi các quốc gia EU thúc đẩy thỏa thuận trần giá khí đốt: Séc kêu gọi các chính phủ EU thúc đẩy các thỏa thuận, phá vỡ bế tắc về đề xuất trần giá khí đốt tự nhiên để giúp hạn chế chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Dự kiến, các đại sứ EU sẽ tiếp tục đàm phán về đề xuất này vào ngày 12/12 để chuẩn bị cơ sở trước cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng năng lượng một ngày sau đó.

Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong bối cảnh có sự rạn nứt giữa các quốc gia thành viên về biện pháp này, trong khi Đức, Hà Lan và Đan Mạch thúc giục một cách tiếp cận thận trọng để tránh gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung thì các quốc gia bao gồm Bỉ, Hy Lạp, Italia và Ba Lan muốn có một cơ chế tích cực hơn.

Mỹ bác bỏ cáo buộc "bật đèn xanh" cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga: Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 11/12 cho biết, Mỹ không khuyến khích Ukraine tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi The Times hôm 9/12 trích dẫn một số nguồn tin cho biết Mỹ đã âm thầm “bật đèn xanh” cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào những mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Theo một nguồn tin quốc phòng Mỹ được The Times phỏng vấn, Lầu Năm Góc rõ ràng đã thay đổi lập trường về vấn đề này. Trước đó hôm 10/12, ông Aleksey Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine nói rằng, Kiev không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Biden điện đàm với Tổng thống Ukraine: Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/12 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, qua đó nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với nước này.

Tổng thống Biden nhấn mạnh, Mỹ ưu tiên hỗ trợ tăng cường năng lực phòng thủ trên không của Ukraine thông qua các gói viện trợ an ninh bao gồm khoản ngân sách trị giá 275 triệu USD công bố hôm 9/12.

Ukraine tiết lộ thời điểm tiếp tục phản công vào mùa đông: Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov ngày 11/12 dự đoán quân đội nước này sẽ tiếp tục tiến hành phản công khi mặt đất đóng băng băng, cho phép việc chuyển giao thiết bị diễn ra dễ dàng hơn.

“Điều kiện thời tiết đang ở giai đoạn chuyển giao từ mùa thu khô ráo sang đầu đông chưa lạnh giá khắc nghiệt. Mưa nhiều gây khó khăn cho các cuộc tấn công của các bên do mặt đất lầy lội khiến các phương tiện không thể di chuyển”, ông Reznikov nói.

“Tôi tin rằng tốc độ phản công của Ukraine đang chậm lại liên quan đến điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine không nghĩ đến chuyện dừng lại. Bởi vậy, khi mặt đất đóng băng và trở nên rắn hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc phản công và giành lại lãnh thổ”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nêu rõ.

Tổng thống Nga -Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về tình hình ở Ukraine: Theo Văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan bày tỏ hy vọng rằng, cuộc khủng hoảng này "sẽ kết thúc càng sớm càng tốt". Ngày 11/12, theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga V.Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở Ukraine, thực hiện thỏa thuận ngũ cốc và nhiều khía cạnh hợp tác song phương.

Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga V.Putin đã vạch ra những đánh giá cơ bản của ông về tình hình Ukraine. Về phần mình, theo Văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan bày tỏ hy vọng rằng, cuộc khủng hoảng này "sẽ kết thúc càng sớm càng tốt".

Mỹ sẽ mời Nga tham dự hội nghị APEC 2023: Giới chức Mỹ thông báo sẽ mời Nga tham dự các hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Washington đăng cai vào năm tới.

Phát biểu với báo giới ở Singapore ngày 12/12, ông Matt Murray - quan chức cấp cao Mỹ phụ trách APEC, xác nhận Mỹ sẽ mời Nga tham dự các hội nghị của APEC, đồng thời khẳng định hai nền kinh tế này đều là những "thành viên tích cực" của diễn đàn. Tuy nhiên, ông Murray không cho biết liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo APEC 2023 ở San Francisco hay không./.