1. Saudade (Brazil)

Helen Russell - một nhà báo chuyên nghiên cứu về hạnh phúc của các quốc gia trên thế giới cho rằng: "Trong tiếng Bồ Đào Nha ở Brazil, có một thứ gọi là saudade. Đó là cảm giác khao khát, u sầu và hoài niệm về hạnh phúc đã từng có - hoặc thậm chí là niềm hạnh phúc mà bạn chỉ hy vọng có được”.

Khái niệm này rất quan trọng đối với văn hóa và đời sống tinh thần của người dân Brazil đến nỗi hàng năm vào 30/1, sự kiện Ngày Saudade sẽ được tổ chức. Phương châm sống này có thể đóng vai trò như một chất xúc tác trong cuộc sống và mang đến cơ hội để chúng ta kết nối với một số dạng nỗi buồn, điều mà đôi khi có thể hoạt động như một thành phần bí mật của hạnh phúc.

Nhà nghiên cứu Russell nói: “Hầu hết chúng ta đều sẽ trải qua cảm giác buồn vui lẫn lộn khi xem lại những bức ảnh cũ hoặc quan tâm đến bất kỳ ai tới mức vô cùng nhớ nhung nếu họ ra đi”. Những khoảnh khắc buồn bã ngắn ngủi này có thể mang lại sự thanh thản, cải thiện sự chú ý của chúng ta đến từng chi tiết, tăng tính kiên trì và thúc đẩy sự hào phóng. Vì vậy, nhà nghiên cứu này khuyến khích những người đang tìm kiếm cảm giác hạnh phúc hãy “dành thời gian để tưởng nhớ những người họ yêu thương đã rời đi và sau đó tập cách biết ơn nhiều hơn với những người vẫn còn ở bên ta".

2. Meraki (Hy Lạp)

Theo bà Russell, thuật ngữ meraki đề cập đến "việc thể hiện chính xác sự quan tâm với một thú tiêu khiển được yêu thích”. Bí mật hạnh phúc này có tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách thử thách bản thân làm điều gì đó khác biệt, từ đó tạo ra các đường dẫn thần kinh mới trong não của chúng ta.

“Nhiều công việc cần được thực hiện hàng ngày không đặc biệt khó khăn hay truyền cảm hứng - từ nộp hồ sơ, đến tăng đơn đặt hàng hoặc thậm chí là sự mệt mỏi của việc nuôi dạy con cái", bà Russell nói.

Theo bà, việc phá vỡ những gì giống như vòng tròn không bao giờ kết thúc của công việc thường ngày qua các thói quen mà bạn yêu thích cũng như thách thức bản thân mình chính là điều cơ bản của meraki. Việc thực hành phương châm sống này có thể mang đến cho bạn điều gì đó để mong đợi, từ đó khiến bạn thấy hạnh phúc hơn.

3. Dolce far niente (Italy)

Nhà nghiên cứu Russell đã gọi người Italy là “các vị vua và nữ hoàng của sự vô tư”, đồng thời cho rằng cụm từ dolce far niente đã nhấn mạnh khía cạnh đó. Theo bà Russell, cụm từ này có nghĩa là “sự ngọt ngào của việc không làm gì cả”, đồng thời nói thêm rằng khái niệm này "là tận hưởng khoảnh khắc và thực sự tận hưởng hiện tại”.

“Thay vì để dành "hạn ngạch vui vẻ" cho một chuyến đi hàng năm hay một ngày cuối tuần, người Italy tận hưởng điều đó từng phút, từng giờ và từng ngày trong suốt cả năm". Bà Russell cho rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng được tận hưởng cuộc sống quanh năm chứ không chỉ vào những kỳ nghỉ.

4. Friluftsliv (Na Uy)

Năm 2017, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới đã vinh danh Na Uy là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và nước này tliên tục được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc hàng đầu trong những năm kế tiếp. Điều này cho thấy người Na Uy dường như biết đôi điều về bí mật hạnh phúc. Một trong những triết lý sống hạnh phúc của họ là khái niệm friluftsliv, hay còn gọi là "cuộc sống với không khí tự do", đặc biệt trong thời tiết lạnh giá.

Bà Russell nói: “Đó là quy tắc ứng xử cũng như mục tiêu sống của hầu hết người Na Uy, những người thích dành thời gian ở ngoài trời thường xuyên nhất có thể". Tuy nhiên, bí quyết hạnh phúc không chỉ nằm ở việc dành thời gian ở ngoài trời mà còn ở tư duy đằng sau nó.

“Hầu hết người Na Uy tin rằng bạn phải làm việc để có được mọi thứ, bằng nỗ lực thể chất hoặc bằng cách chiến đấu với các yếu tố thời tiết. Chỉ khi bạn leo lên một ngọn núi trong mưa lạnh, bạn mới có thể thực sự thưởng thức bữa tối của mình”, bà Russell nói. Mặc dù bạn có thể không cần phải leo núi để nhận được đầy đủ lợi ích của friluftsliv, nhưng việc đi dạo hoặc dành thời gian trong một khoảng sân vườn tươi tốt có thể là những cách hay để hòa mình vào thiên nhiên, giúp tăng cường hạnh phúc, sức khỏe và tinh thần của bạn trong quá trình này.

5. Smultronställe (Thụy Điển)

Một trong những bí mật hạnh phúc nữa đến từ Thụy Điển được gọi là smultronställe, một khái niệm dịch theo nghĩa đen là "cánh đồng dâu dại". Về cơ bản, smultronställe có nghĩa là bạn đi đến một nơi mà bạn không thể hoặc sẽ không bị làm phiền. Đây là “nơi bạn có thể đến khi căng thẳng, mệt mỏi hoặc bị choáng ngợp. Đó là nơi hạnh phúc khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn", nhà nghiên cứu Russel nói.

 

Mặc dù bí quyết hạnh phúc này thường gắn liền với việc dành thời gian ở ngoài trời, nhưng bạn cũng có thể thực hành điều đó trong nhà, miễn đó là nơi hạnh phúc của bạn. Bà Russell nói: “Nó có thể đơn giản chỉ là một chiếc ghế yêu thích hoặc trong trường hợp của tôi là trốn trong tủ quần áo". Theo bà, sở hữu smultronställe của riêng mình khi cần thiết có thể giúp bạn "giữ bình tĩnh, khôi phục lại sự cân bằng và cảm thấy trẻ hóa".

6. Wabi sabi và kintsugi (Nhật Bản)

Việc áp dụng triết lý wabi sabi của Nhật Bản, hay vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, có thể có tác động tích cực đến hạnh phúc. Thực sự có vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo và việc chấp nhận điều đó khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn khi mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như cách chúng ta mong muốn.

Một từ khác nói về bí quyết hạnh phúc cũng xuất phát từ văn hóa Nhật Bản là kintsugi với tinh thần tương tự như wabi sabi. Từ kintsugi đề cập đến nghệ thuật sửa chữa đồ gốm bị hỏng bằng sơn mài kim loại của người Nhật xưa. Trong khi người khác có thể nhìn thấy đó là những mảnh vỡ không thể hoặc không nên sửa thì kintsugi tôn vinh những điểm không hoàn hảo và sửa chữa những mảnh vỡ đó bằng cách ghép chúng lại với nhau. Bà Russell nói: “Tất cả chúng ta đều có những vết sẹo theo dáng hình này hay dáng hình khác. Chúng ta nên trân trọng chúng hơn là cố gắng che giấu chúng".