Các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc trưng bởi nhiệt độ giảm mạnh và băng tuyết bao phủ sâu các khu vực chăn thả, chặn khả năng tiếp cận với thức ăn của gia súc.

Khoảng 300.000 người tại Mông Cổ là những người chăn nuôi du mục truyền thống và sống phụ thuộc vào gia súc, dê, ngựa để làm thức ăn hoặc mua bán ở chợ.

Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của IFRC Alexander Matheou cho biết, người dân rơi vào nghèo khổ chỉ trong vài tháng bởi họ hoàn toàn phụ thuộc vào gia súc để tồn tại. Một số người hiện còn không thể kiếm được thức ăn và sưởi ấm.

Theo IFRC, kể từ tháng 11/2023, ít nhất 2.250 hộ chăn nuôi đã mất hơn 70% vật nuôi và hơn 7.000 hộ hiện không thể tiếp cận với nguồn thực phẩm.

Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến 3/4 đất nước và dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu mùa đông tiếp tục kéo dài.

Theo Giám đốc Matheou, tuy hiện tại đã là mùa xuân nhưng mùa đông vẫn đang hiện diện tại đây, tuyết vẫn còn trên mặt đất và gia súc thì chết dần.

“Với tình trạng ở Mông Cổ năm nay và những năm trước thì việc chuẩn bị cao độ là vẫn không đủ để ứng phó với sự khắc nghiệt này. Chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều nhưng quy mô của nó vẫn khiến chúng tôi bất ngờ”, ông Matheou cho biết.

Các điều kiện thời tiết cực đoan cũng đã gây ra thiệt hại kinh tế cho những người chăn nuôi và gây gián đoạn trong việc đi lại, thương mại, tiếp cận y tế và giáo dục cho nhiều người Mông Cổ, đặc biệt là cư dân tại các khu vực nông thôn.

Các hộ gia đình chăn nuôi gia súc thường di chuyển theo mùa. Họ đi khắp các đồng cỏ rộng lớn của đất nước để chăn thả đàn gia súc. Những người này trồng thức ăn cho gia súc vào mùa hè và dùng số thức ăn dự trữ đó cho mùa đông.

Dù gia súc đã quen với mùa đông khắc nghiệt của Mông Cổ nhưng chúng vẫn không thể chống chọi được khi nhiệt độ có thể giảm xuống -30 độ C hoặc thấp hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng tuyết rơi năm nay cao nhất trong vòng 49 năm qua, bao phủ 90% diện tích đất nước vào tháng 1 vừa qua.

Liên Hợp Quốc cho biết, trong khi mùa hè năm ngoái có vẻ thuận lợi với lượng mưa dồi dào thì nhiệt độ đã giảm mạnh và tuyết rơi sớm vào tháng 11 trước khi nhiệt độ tăng trở lại một cách đột ngột, khiến băng tuyết tan và một đợt lạnh kéo dài dưới -40 độ C ở một số khu vực.

Hiện tại, Mông Cổ đang phải trải qua một “thảm hoạ tuyết trắng”, khiến đồng cỏ bị đóng băng và động vật cạn kiệt nguồn thức ăn.

Tình trạng thời tiết khắc nghiệt đang dần trở nên thường xuyên hơn ở Mông Cổ nên đồng cỏ cũng như những người chăn nuôi không có thời gian để phục hồi.

Theo Giám đốc Matheou của IFRC, những hiện tượng thời tiết cực đoan này có tính chu kỳ, nhưng hiện đang xảy ra thường xuyên hơn với 6 năm trong 1 thập kỷ qua và sẽ còn tiếp diễn.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, Mông Cổ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, với nhiệt độ không khí trung bình tăng 2,1 độ C trong 70 năm qua.

Theo các cơ quan của Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm gián đoạn bốn mùa rõ rệt của đất nước, dẫn đến sự tái diễn gia tăng các đợt hạn hán mùa hè và tình trạng mùa đông khắc nghiệt sau đó.

Đồng thời IFRC cho rằng, tác động của cuộc khủng hoảng năm nay được dự báo sẽ lớn hơn tình trạng xảy ra vào năm 2010, dẫn đến cái chết của 10,3 triệu gia súc.

Theo người đứng đầu Phái đoàn Đông Á của IFRC Olga Dzhumaeva, nhiều hộ gia đình chăn nuôi phải đối mặt với việc mất đi vật nuôi quý giá cũng như các gánh nặng tài chính, nguồn lực hạn chế, áp lực lớn về sức khoẻ tinh thần và thể chất.

“Tuy nhiên, chúng ta nhìn thấy hy vọng và khả năng phục hồi không ngừng nghỉ của rất nhiều gia đình khi chiến đấu với cơn thịnh nộ của mùa đông bằng nguồn sức mạnh đáng kinh ngạc. Gia súc chết liên tục, nguồn tài nguyên suy giảm và điều kiện sống xấu đi của hàng trăm nghìn người ở Mông Cổ trong mùa đông này gióng lên hồi chuông về việc đưa đến các sự hỗ trợ cần thiết”, ông Olga cho biết.