Truyền hình quốc gia Thái Lan và Đài Phát thanh quốc gia Thái Lan hôm nay (15/11) đồng loạt phát sóng các bản tin thời sự, cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên đến Thái Lan của một lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Chuyến thăm khẳng định quyết tâm củng cố tình đoàn kết, tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung của hai nước.

Các bản tin điểm lại những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan sau 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên thành Quan hệ Đối tác chiến lược, tạo dựng nền tảng vững chắc đưa quan hệ hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023, chuyến thăm là cơ hội để hai nước thảo luận và nhất trí về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại-đầu tư đến phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực, quốc tế. 

Các bản tin nhấn mạnh với mối quan hệ gắn kết chặt chẽ chưa từng có, Việt Nam và Thái Lan sẽ cùng hợp tác với tinh thần hữu nghị, đoàn kết và thống nhất nhằm mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng ở hai nước cũng như toàn khu vực.

Trước đó, hãng tin ThaiPBSWorld đăng tải bài viết của học giả Kavi Chongkittavorn có tiêu đề “Ý nghĩa chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”, nêu bật tầm quan trọng của chuyến thăm góp phần củng cố và nâng tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan. Theo bài viết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên trong các lãnh đạo APEC thăm chính thức Thái Lan nhân dịp Tuần lễ cấp cao APEC lần này. Chuyến thăm rất được phía Thái Lan mong đợi, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và hai nước đang tìm kiếm các cách thức mới để tăng cường, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Ở cấp độ Tiểu vùng Mê Công và ASEAN, bài viết đánh giá Việt Nam là động lực phát triển chính của Tiểu vùng Mê Công, đặc biệt là cơ chế hợp tác ACMECS, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết những thách thức đang nổi lên ở Tiểu vùng như vấn đề quản lý nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, di cư và trữ lượng cá... Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nỗ lực vận động, dẫn dắt các đối tác đối thoại của ASEAN tăng cường hợp tác, can dự tích cực trong các cơ chế Tiểu vùng nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trong khu vực./.