Theo truyền thông Israel và khu vực, một loạt quốc gia châu Âu đã đồng loạt lên tiếng phản đối, đồng thời bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc Israel kêu gọi người dân khu vực phía Đông Rafah phải đi sơ tán để chuẩn bị cho việc tấn công vào Rafah.

Trong thông báo chiều 6/5, Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ nước này “mạnh mẽ phản đối” kế hoạch tấn công của Israel vào Rafah, nhấn mạnh rằng hành vi cưỡng bước di dân của quân đội Israel có thể cấu thành tội ác chiến tranh.

Cùng quan điểm, viết trên mạng xã hội X, Phó Thủ tướng Bỉ Petra De Sutter cảnh báo cuộc tấn công của Israel vào Rafah có thể dẫn tới hành vi thảm sát dân thường. Tháng 11/2023, tức khoảng 1 tháng sau khi Israel phát động chiến dịch tấn công vào dải Gaza, Phó Thủ tướng Bỉ De Sutter cũng kêu gọi áp đặt lệnh trừng phạt chống Israel, đồng thời lập tức đình chỉ quan hệ Israel - EU.

Cũng từ châu Âu, quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell chỉ trích việc Israel kêu gọi người dân rời khỏi khu vực Đông Rafah là hành động không thể chấp nhận được vì nó đồng nghĩa với việc mở rộng chiến tranh và làm trầm trọng thêm nạn đói tại dải Gaza. Ông Borrell kêu Israel lập tức đình lại kế hoạch tấn công Rafah, nhấn mạnh rằng châu Âu và cộng đồng quốc tế cần lập tức hành động nhằm ngăn chặn cuộc tấn công này.

Còn tại Gaza, Cơ quan cứu trợ người tỵ nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) tuyên bố tổ chức này sẽ không rời khỏi địa bàn hoạt động ở phía Đông Rafah theo yêu cầu của quân đội Israel. Giám đốc truyền thông UNRWA, bà Juliette Touma khẳng định UNRWA cam kết duy trì hoạt động tại Rafah cùng tất cả các khu vực khác ở dải Gaza, nhằm hỗ trợ nhân đạo cho người dân Gaza.

Cũng trong chiều nay, quân đội Ai Cập đã ra lệnh báo động tại khu vực phía Bắc bán đải Sinai, nơi có đường biên giới tiếp giáp với dải Gaza, trong đó có thành phố Rafah. Hồi tháng 1 năm nay, truyền thông phương Tây dẫn lời một số quan chức Ai Cập cảnh báo rằng Cairo có thể đình lại Hiệp ước hòa bình ký năm 1979 với Tel Aviv, nếu quân đội Israel tiến vào Rafah hoặc khiến cho người tỵ nạn ở Rafah tràn sang lãnh thổ Ai Cập.