Trên Sàn giao dịch năng lượng châu Âu AG, giá điện theo hợp đồng mua bán năm tới ở Đức tăng thêm 3,7%, lên 477,50 euro/megawatt giờ. Con số này cao gấp gần 6 lần so với thời điểm này năm 2021 và tăng gấp đôi chỉ trong hai tháng qua. Không chỉ Đức, giá điện theo hợp đồng mua bán ở Anh và Pháp cũng lập kỷ lục mới.

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt liên tục bị bóp nghẽn và mùa Đông đang đến, các nước châu Âu đang nỗ lực cắt giảm việc sử dụng năng lượng. Hiện mức cắt giảm năng lượng tại nhiều nước châu Âu tập trung vào không gian công cộng. Dẫn đầu trong việc tiết kiệm năng lượng tại châu Âu là Đức. Tại nhiều thành phố tại Đức như Berlin, Hanover, Potsdam, Munich… các nhà chức trách yêu cầu tắt các đèn chiếu sáng xung quanh các không gian công cộng, hạ nhiệt độ nước tại các hồ bơi công cộng và phòng tắm hơi, tắt nước nóng trong các văn phòng thành phố hay lên kế hoạch cắt giảm nhiệt độ ở hệ thống sưởi ở các tòa nhà khi thời tiết lạnh hơn đến gần.

Ông Belit Onay, thị trưởng thành phố Hanover cho biết: “Mỗi kilowatt điện mà chúng ta tiết kiệm được sẽ dành sử dụng cho mùa đông. Chính quyền thành phố chúng tôi đã đặt mục tiêu giảm 15% mức sử dụng năng lượng thông qua một kế hoạch được công bố vào tháng trước. Hy vọng, các biện pháp này sẽ khuyến khích được người dân trong thành phố có ý thức hơn trong việc sử dụng điện”.

Các sáng kiến ​​tiết kiệm năng lượng của Đức được triển khai giữa lúc các chính phủ trên khắp châu Âu cũng đưa ra các biện pháp của riêng mình. Với chiến dịch có tên "Gạt công tắc", chính phủ Hà Lan đang khuyến khích người dân tắm không quá 5 phút, sử dụng rèm che nắng và quạt thay vì điều hòa nhiệt độ, không sử dụng máy sấy quần áo…      

Trong tuần qua, chính phủ Tây Ban Nha đã ban hành sắc lệnh yêu cầu phải duy trì nhiệt độ máy điều hòa không khí ở không gian công cộng và thương mại ở mức không dưới 27 độ C và giới hạn nhiệt độ các hệ thống sưởi ấm ở mức không quá 19 độ C cho đến năm 2023. Chính phủ Tây Ban Nha ước tính biện pháp này có thể làm giảm nhu cầu năng lượng của đất nước trong ngắn hạn.

Bộ trưởng năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết: “Viện Nghiên cứu và Tiết kiệm Năng lượng ước tính, khi nhiệt độ điều hoà không khí ở mức thấp hơn 1 độ sẽ giúp chúng ta phép chúng ta tiết kiệm 7% năng lượng tiêu thụ. Giả dụ một Công ty sở hữu 90 khách sạn và hơn 100 nhà hàng, ước tính khi áp dụng các biện pháp này sẽ tiết kiệm được hơn 1 triệu euro mỗi năm”.

Một số các quốc gia khác như Đức, Pháp, Italy… phạt tiền đối với các cửa hàng, nhà hàng, văn phòng bật điều hoà nhiệt độ hoặc máy sưởi trong khi đang mở cửa.

Các bước đi mới này của các nước châu Âu được cho là phù hợp với chiến lược mà 27 chính phủ của Liên minh châu Âu (EU) nhất trí vào tháng trước. Trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể ngừng cung cấp năng lượng, EU đã thống nhất một kế hoạch không mang tính ràng buộc nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt ở mức ít nhất 15% trong giai đoạn từ giữa tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Kể từ tháng 6, dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu đã sụt giảm đáng kể. Nga cắt giảm tới 80% lưu lượng khí đốt đi qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream)./.