Đây được xem như biện pháp mang tính bảo hiểm trước những rủi ro do lo ngại giá khí đốt sẽ tăng cao trở lại, với nguồn cung cho mùa Đông này có thể bị ảnh hưởng đáng kể từ xung đột leo thang tại Trung Đông cũng như sự cố xảy ra với cơ sở hạ tầng khí đốt ở vùng biển Baltic.

Dù hiện giá khí đốt đã giảm tới 90% so với mức đỉnh hồi năm ngoái và dự trữ khí đốt thời điểm này vẫn dồi dào, song giới chức châu Âu nhận định, thực tế châu lục này đang đối mặt với một loạt bất lợi về nguồn cung khí đốt trong mùa đông này. 

Thời tiết dự kiến ngày càng lạnh hơn và căng thẳng ở khu vực Trung Đông đang làm gia tăng thêm áp lực, khiến giá khí đốt có nguy cơ tiếp tục bị đẩy lên cao.

Chưa kể, những yếu tố khác cần tính tới như rủi ro nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ giảm hơn nữa, hay đường ống khí đốt qua biển Baltic giữa Phần Lan và Estonia đã đóng cửa hôm 8/10 do nghi ngờ bị rò rỉ. Dự tính việc sửa chữa đường ống bị hư hỏng này sẽ mất ít nhất 5 tháng và việc khởi động lại hoạt động vận chuyển khí đốt sẽ diễn ra sớm nhất vào tháng 4 năm 2024.

Trước những lo ngại này, 10 quốc gia thành viên EU đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu yêu cầu gia hạn các biện pháp khẩn cấp vốn được đưa ra để xử lý khủng hoảng năng lượng hồi mùa đông năm ngoái, khi giá khí đốt trong khối lên tới hơn 300 euro/megawatt giờ. Trong số các biện pháp này có cơ chế điều chỉnh thị trường.

Theo đó sẽ giới hạn giá khí đốt thị trường ở mức 180 euro/megawatt giờ nếu hợp đồng tương lai về khí đốt giao dịch ở mức cao hơn trong 3 ngày liên tiếp. Trong số các biện pháp khác được đề xuất gia hạn là các quy định khẩn cấp cho phép các nước EU nới lỏng các quy định viện trợ của nhà nước cho các dự án năng lượng tái tạo.

Châu Âu gần đây cũng đã triển khai các kho cảng nổi nhập khẩu LNG mới và nhiều trong số đó sẽ sẵn sàng hoạt động vào cuối năm nay, trong đó có các cơ sở tại Đức và các kho ở Pháp, Hy Lạp.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông báo: "Vào cuối mùa đông, các kho chứa có thể trống rỗng, nhưng chúng ta sẽ có thêm hai kho LNG nữa và có thể ngay lập tức lấp đầy trở lại các kho dự trữ. Đây là kế hoạch mà chúng ta hy vọng nó sẽ sớm thành công”.

Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ công bố những biện pháp khẩn cấp được gia hạn vào tháng 11 tới trong nỗ lực nhằm tránh kịch bản thiếu hụt khí đốt cho mùa đông, dù ủy ban này cách đây 2 ngày công bố đánh giá mức dự trữ khí đốt của khu vực và giá khí đốt trên thị trường thế giới thời điểm này vẫn ổn định. Trong đó, giới chức châu Âu đặc biệt lưu ý xung đột kéo dài tại Gaza sẽ là tác nhân góp phần đẩy giá nhiên liệu tăng mạnh trong thời gian tới.