Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại tình hình xung đột nghiêm trọng tại khu vực biên giới hai nước Trung Á và kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại để giải quyết các bất đồng, tranh chấp tồn tại.

Lệnh ngừng bắn mới giữa Armenia và Azerbaijan do Bộ Ngoại giao Nga làm trung gian. Nó đạt được sau một đợt giao tranh ác liệt giữa binh sĩ Armenia và Azerbaijan từ đêm 12/9 đến sáng 13/9. Nga hi vọng các bên sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn mong manh này.

Trước khi lệnh ngừng bắn đạt được, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết nước này sẽ yêu cầu Nga giúp đỡ do tình hình ở biên giới với Azerbaijan ngày càng nghiêm trọng. Armenia cũng thông báo gửi kiến nghị lên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trước đó, vào đêm qua, rạng sáng nay xảy ra vụ giao tranh ác liệt làm thiệt hại nhiều cơ sở hạ tầng và người của cả Armenia và Azerbaijan. Cả hai đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. 

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đã điện đàm để thảo luận về tình hình biên giới với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết, EU đã sẵn sàng nỗ lực để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và cho biết “không có giải pháp thay thế nào cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Với những diễn biến trên thực địa 24 giờ qua, lệnh ngừng bắn mới vừa được thiết lập cũng rất mong manh. Các bên tiếp tục các hoạt động ngoại giao con thoi để đảm bảo thỏa thuận này có thể duy trì lâu dài. Bộ trưởng Quốc phòng Armenia hôm nay có cuộc thảo luận với người đồng cấp Nga về các giải pháp hạ nhiệt tình hình. Còn Ngoại trưởng Azerbaijan đã tham vấn đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lên tiếng bảo vệ đồng minh, kêu gọi Armenia ngừng khiêu khích và nên tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình với phía Azerbaijan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình giao tranh dọc biên giới Armenia-Azerbaijan, đồng thời kêu gọi hai bên chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.

Tranh chấp tại khu vực Nagorno-Karabakh tồn tại nhiều thập kỷ qua, mà cuộc giao tranh đỉnh điểm gần đây xảy ra năm 2020, kéo dài 44 ngày. Cuộc xung đột kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, trong đó lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tới Nagorno-Karabakh. Mới đây, vào đầu tháng 8 vừa qua, Azerbaijan đã tấn công khu vực Nagorno-Karabakh sau khi cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn năm 2020 và yêu cầu phi quân sự hóa hoàn toàn khu vực này.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric kêu gọi các bên giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại: “Tổng thư ký LHQ đang theo dõi các báo cáo gần đây về căng thẳng trong và xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh. Mặc dù chúng tôi không có được xác thực độ chính xác của các báo cáo này, nhưng chúng tôi kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế và giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại thông qua đối thoại”./.