Về vấn đề di cư, một thành viên EU là Hà Lan thậm chí tuyên bố sẽ yêu cầu cho phép lựa chọn không tham gia Hiệp ước Tị nạn và Di trú mới của châu Âu.

Trong bản kiến nghị gửi đến Uỷ ban châu Âu (EC) ngày 16/5, 15 quốc gia thành viên EU, do Đan Mạch và Cộng hoà Séc dẫn đầu, đã đưa ra những cách thức và giải pháp mới để ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Cụ thể, các nước này đề xuất EC đưa ra các cơ chế nhằm phát hiện, ngăn chặn hoặc cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp những người di cư trên biển và đưa họ đến một nơi an toàn được xác định trước tại một quốc gia đối tác bên ngoài EU.  

15 quốc gia thành viên cũng gợi ý EC nên đơn giản hoá thủ tục đưa những người xin tị nạn đến các nước thứ ba và xử lý yêu cầu của họ tại đó. Luật pháp châu Âu quy định rằng một người nhập cư đến EU có thể được gửi đến một quốc gia ngoài Khối, nơi họ có thể yêu cầu tị nạn nếu có mối liên hệ với quốc gia thứ ba này. Kiến nghị cũng kêu gọi đánh giá lại khái niệm về "quốc gia thứ ba an toàn" trong Luật tị nạn của EU.

Về tổng thể, các nước tham gia kiến nghị muốn EU thúc đẩy ký các thoả thuận đối tác về di cư, nhất là những nước nằm trên tuyến đường di chuyển như Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc theo hình mẫu thoả thuận di cư mà Italy đã ký với Albania cuối năm 2023.

15 quốc gia tham gia đưa kiến nghị bao gồm Bulgaria, Cộng hoà Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Estonia, Hy Lạp, Italy, Síp, Lettonia, Litva, Malta, Áo, Ba Lan, Rumania và Hà Lan.

Đáng chú ý, liên minh chính phủ thiên hữu mới thành lập tại Hà Lan tuyên bố sẽ thúc đẩy các quy tắc nghiêm ngặt nhất từng được áp dụng trong vấn đề tị nạn để kiểm soát tình trạng nhập cư, thậm chí những người không có giấy phép cư trú hợp lệ sẽ bị trục xuất bằng vũ lực nếu cần thiết.

Liên minh chính phủ mới tại Hà Lan cũng cho biết sẽ sớm gửi tới EC đề xuất có thể hủy bỏ, hoặc “lựa chọn không tham gia” vào Hiệp ước Tị nạn và Di trú mà EU mới thông qua đầu tháng 4/2024.